Hiện đại, mới mẻ và đậm tình

Với các tác phẩm lĩnh vực văn học nghệ thuật được xét vào vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 năm 2023, nét đẹp nghệ thuật truyền thống được thể hiện bằng tư duy làm nghệ thuật mới, sử dụng các phương pháp sáng tạo hiện đại, gắn liền hơi thở cuộc sống, theo sát nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Cảnh trong Kịch múa Kiều của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM

Những sự kết hợp ấn tượng

Kịch múa Kiều (biên đạo: Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải và Th.S Nguyễn Tuyết Minh) của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Trần Hoàng Yến, Hồ Phi Điệp, Đàm Đức Nhuận; các nghệ sĩ múa trẻ Đinh Phương Dung, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Phan Thái Bình, Đoàn Vũ Minh Tú, Hà Ôn Kim Tuyền, Nguyễn Minh Tâm, Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng…; ca sĩ Chinh Ba và tập thể nghệ sĩ Đoàn múa HBSO.

Vở múa được dàn dựng 15 cảnh, kể về hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, sự tự do. Bằng tài năng và độ chín muồi về nghề nghiệp, cả trong tư duy nghệ thuật, kỹ thuật chuyên môn, ê kíp biên đạo múa, nghệ sĩ, diễn viên múa trẻ, tài năng của HBSO đã kiến tạo tác phẩm Kịch múa Kiều đặc sắc, thể hiện tư duy sáng tạo, dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại. Đặc biệt, sự hòa trộn uyển chuyển, nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam; sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách bán cổ điển với âm điệu dân gian, dân tộc Việt Nam; cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ đã giúp tác phẩm múa tạo được nhiều cảm xúc.

Vở hát bội Chiếc áo thiên nga (tác giả: Lê Duy Hạnh; chuyển thể: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NS Ngô Đông Hồ) của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, có sự tham gia biểu diễn của 35 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, trong đó có NSƯT Linh Hiền, NS Đông Hồ và dàn nghệ sĩ trẻ: Bảo Châu, Ngọc Giàu, Minh Khương, Kiều My... Trên sân khấu hát bội, câu chuyện kịch tính được đạo diễn Đông Hồ dàn dựng nhẹ nhàng, dung dị mà cuốn hút, xoáy sâu vào mối tình lãng mạn của Trọng Thủy - Mỵ Châu, đan xen cùng với những mưu toan xâm lược thành Cổ Loa của Triệu Đà.

Gần gũi và đậm chất nhân sinh

Nhạc sĩ Vũ Công Minh hiện là giảng viên Trường Cao đẳng VHNT TPHCM dạy hòa âm và ký xướng âm, là giảng viên thỉnh giảng Nhạc viện TPHCM lớp nhạc lý, nhạc nhẹ và hòa tấu ban nhạc. Anh có thời gian học tập 15 năm tại Nhạc viện TPHCM với các chuyên ngành trung cấp kèn trompet, trung cấp và đại học sáng tác, cùng 3 năm thạc sĩ ngành sáng tác.

Là một nhạc sĩ hoạt động mạnh ở lĩnh vực hòa âm phối khí và sản xuất âm nhạc, trong công việc và cuộc sống, nhạc sĩ Vũ Công Minh thường chú ý tìm kiếm những cảm xúc, tiếp nhận và tích lũy kiến thức để ấp ủ ý tưởng cho các sáng tác âm nhạc mang hơi thở hiện đại, gần gũi với đời sống tinh thần của con người xã hội mới, đậm chất tình, chất nhân sinh, trân trọng các giá trị lịch sử truyền thống, ví như những bài hát anh đã sáng tác: Bác - Niềm tự hào dân tộc, Lời con dâng mẹ, Những người con đất Việt, Tuổi trẻ thành phố Bác, Ân tình cha mẹ, Thu Hà Nội trong tôi…

Đặc biệt, sau chuyến đi Trường Sa năm 2017, nhạc sĩ Vũ Công Minh đã ấp ủ các ý tưởng cho sáng tác mới, từng bước hình thành cơ bản chủ đề từng chương cho tác phẩm giao hưởng đặc biệt Người lính đảo. Trong năm 2021, anh đã dành khoảng 5 tháng để bắt tay thực hiện tác phẩm này. Tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ không thể nào quên những kỷ niệm và ký ức về chuyến đi Trường Sa năm ấy, cùng cảm nhận sâu sắc và rất thật về cuộc sống của những người lính đảo. Đó là tiếng còi tàu trên biển, thời tiết, không gian, điều kiện sinh sống, học tập và làm việc, tinh thần vượt khó để trui rèn lý tưởng, chung sức bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc của các chiến sĩ nơi đảo xa giữa thời bình.

Từ những cảm xúc chân phương ấy, nhạc sĩ Vũ Công Minh đã cho ra đời tác phẩm giao hưởng Người lính đảo với 4 chương: Đảo xa, Sau cơn bão, Sóng đùa, Người lính đảo. Những giai điệu âm nhạc của tác phẩm hướng về đảo xa với những con tàu, những hòn đảo nhỏ với mặt biển mênh mông rộng lớn. Ở đó có những người lính hàng đêm canh giữ quê hương. Và ở đó, ngoài việc canh giữ bờ cõi quê hương, người lính đảo còn đối mặt với gian nan do thiên tai. Trong điều kiện khắc nghiệt đó, qua tác phẩm giao hưởng Người lính đảo, có thể thấy được cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ hải đảo xa xôi đã hòa hợp với thiên nhiên để thích nghi với điều kiện sống nơi biển đảo. Và ở họ có một tinh thần bất khuất, kiên cường trước mọi thử thách, gian nan.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hien-dai-moi-me-va-dam-tinh-post693456.html