Hiện đại hóa hệ thống xe buýt

Hiện đại hóa hệ thống xe buýt là xu hướng tất yếu trong tương lai nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế gây ùn tắc cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Vấn đề này được tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Người dân chọn sử dụng các phương tiện xe buýt mới, chất lượng tốt. Ảnh: A.Nhơn

Người dân chọn sử dụng các phương tiện xe buýt mới, chất lượng tốt. Ảnh: A.Nhơn

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư hàng loạt phương tiện mới, hiện đại để thay thế những chiếc xe buýt cũ, quá hạn sử dụng. Điều này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Thay “áo mới” cho xe buýt

Theo các DN kinh doanh vận tải, từ đầu năm 2024 đến nay, người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại đã dần ổn định trở lại, đặc biệt, lượng khách tăng lên vào những tháng mùa khô. Đối tượng đi xe buýt nhiều là học sinh, sinh viên đến trường học; công nhân làm việc ở công ty và người dân đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh...

Bà Ngô Ngọc Thùy Anh, phụ trách tuyến xe buýt trợ giá số 1 (Công ty TNHH Trí Minh Phát, thành phố Biên Hòa), cho biết tuyến xe buýt số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - Ngã 4 Vũng Tàu) đã hoạt động ổn định từ nhiều năm. Hiện tuyến này có 8 chiếc xe hoạt động, tần suất 80 chuyến/ngày với khoảng 1 ngàn khách (tăng khoảng 200 khách/ngày so với cùng kỳ năm 2023).

Ông Nguyễn Văn Nở, Phụ trách điều hành tuyến xe buýt số 2 (Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà, thành phố Biên Hòa), cho hay tuyến buýt số 2 (Bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch) hiện có 14 chiếc xe (12 chiếc hoạt động và 2 chiếc dự phòng) đều được đầu tư, tu bổ mới, lắp đặt hệ thống máy lạnh, camera giám sát hành trình. Hiện tần suất hoạt động mỗi ngày của tuyến xe là 82 chuyến với khoảng 2,7 ngàn lượt khách (tăng khoảng 500 khách/ngày so cùng kỳ năm ngoái).

Theo ông Tống Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú (thành phố Biên Hòa), UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải có chủ trương chỉ đạo các DN kinh doanh vận tải triển khai thực hiện kế hoạch về lộ trình thay thế những chiếc xe buýt cũ hoạt động từ 10 năm trở lên hay xe đã quá hạn sử dụng nhằm đảm bảo phục vụ hành khách đi lại được chu đáo, thuận tiện, an toàn. Từ chỉ đạo trên, công ty đã lần lượt thay thế những xe buýt cũ bằng xe mới để phục vụ tốt cho người dân.

Cụ thể, tuyến xe buýt số 5 đã được công ty phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng khai thác từ nhiều năm nay. Qua theo dõi, số lượng hành khách đi lại tuyến xe buýt số 5 tương đối lớn và ổn định. Do đó, công ty quyết định đầu tư hệ thống xe mới nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng tốt hơn.

“Tháng 10-2023, công ty chúng tôi và HTX Quyết Thắng đã chính thức thay thế toàn bộ hệ thống xe mới 100% cho tuyến buýt số 5. Trong đó, riêng công ty chúng tôi đã đầu tư 5 chiếc xe mới của hãng Samco năm 2023. Mỗi xe trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng, trên xe có sức chứa 40 người và có hệ thống máy lạnh hiện đại” - ông Hải chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC (Sở Giao thông vận tải) Trầm Kim Xuyến cho biết, thời gian qua, trung tâm thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc các DN vận tải xây dựng kế hoạch và thực hiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2023, hệ thống xe buýt Đồng Nai đã thay thế 23 phương tiện; trong đó, HTX Dịch vụ vận tải Phương Lâm thay thế 2 phương tiện tuyến xe buýt số 16 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Phương Lâm); HTX Dịch vụ vận tải Long Khánh thay thế 12 phương tiện tuyến xe buýt số 10 (Siêu thị Big C Đồng Nai - Bến xe Xuân Lộc); Công ty CP đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú và HTX Quyết Thắng phối hợp thay thế 9 phương tiện tuyến xe buýt số 5 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Chợ Lớn).

Cuối năm 2022, Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đã đưa vào hoạt động 4 tuyến xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Thành phố Hồ Chí Minh gồm: 601 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Miền Tây), 603 (trạm xe Nhơn Trạch - Bến xe Miền Đông), 605 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe An Sương) và 607 (Bến xe Biên Hòa - bến xe Tân Phú). Cả 4 tuyến xe buýt đều sử dụng xe mới, chất lượng cao.

Bên cạnh đầu tư phương tiện, các cơ quan, DN còn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành hoạt động VTHKCC bằng xe buýt một cách có hiệu quả, giúp người dân tiếp cận xe buýt dễ dàng.

Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) Phan Hồng Quang cho hay, Đồng Nai hiện có 18 tuyến xe buýt với 270 phương tiện tham gia hoạt động; thực hiện khoảng 1 ngàn chuyến/ngày và vận chuyển khoảng 15 ngàn lượt khách; trong đó, có 7 tuyến xe buýt kết nối giữa Đồng Nai - Thành phố Hồ Chí Minh và 4 tuyến kết nối 2 tỉnh: Bình Dương và Bà Rịa - VũngTàu.

“Mạng lưới tuyến xe buýt liên tỉnh trong thời gian qua cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và giảm chi phí đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng” - ông Phan Hồng Quang chia sẻ.

Mục tiêu chương trình nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2025 của Đồng Nai nhằm đảm bảo mật độ che phủ của mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh để người dân có thể tiếp cận, sử dụng thuận lợi; từng bước nâng cao thị phần VTHKCC, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển mạng lưới xe buýt liên kết vùng

Theo ông Phan Hồng Quang, tỉnh Đồng Nai hứa hẹn sẽ có thêm nhiều kết nối đa dạng các loại hình vận tải, trong đó, hoạt động xe buýt đang phát triển theo hướng kết nối vùng. Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giúp hoạt động xe buýt ngày càng tốt hơn.

Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo hướng “tiện dụng, chất lượng, an toàn, hoạt động hiệu quả; đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông”; đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị vận tải đầu tư thay thế những phương tiện đã cũ, hư hỏng, giúp cho hoạt động xe buýt phục vụ người dân ngày càng hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giá vé và nghiên cứu bổ sung tuyến xe buýt có trợ giá để thu hút nhu cầu đi lại của người dân.

Trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC tỉnh tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc xây dựng phương án hoạt động các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh sao cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu đi lại của hành khách. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ xe và nhân viên phải chấp hành các quy định trong việc phục vụ hành khách, không để người dân phản ánh về chất lượng phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành hoạt động VTHKCC bằng xe buýt một cách có hiệu quả, giúp người dân tiếp cận xe buýt dễ dàng.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải đã giao Trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC tiếp tục rà soát lại các tuyến xe buýt đã được công bố để tham mưu điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo mật độ bao phủ và tính kết nối của mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt, đặc biệt là kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng có loại hình vận tải khách khối lượng lớn như: cảng hàng không, ga metro, ga đường sắt… cũng như đảm bảo tính kết nối với các địa phương lân cận. Trung tâm tiếp tục tổ chức kêu gọi các đơn vị tham gia đầu tư thêm các tuyến xe buýt để mạng lưới xe buýt ngày càng mở rộng, giúp việc đi lại bằng xe buýt của người dân được thuận lợi.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/hien-dai-hoa-he-thong-xe-buyt-36b19f6/