Hết quý 3/2021, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 824 tỷ đồng
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 3/2021(đến hết ngày 30/09/2021) là 824,088 tỷ đồng. Trong đó, quý 3/2021 (từ ngày 01/07 đến hết ngày 30/9), tổng số trích quỹ xăng dầu là 502,28 tỷ đồng…
Ảnh minh họa.
Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ngày 18/11/2021, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý 3/2021.
Cụ thể, số dư của Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 30/9/2021 là 824,088 tỷ đồng. Trong đó, quý 3/2021 (từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9), tổng số trích Quỹ xăng dầu là 502,284 tỷ đồng nhưng tổng số chi sử dụng từ Quỹ để bình ổn giá xăng dầu bán lẻ lên tới 802,947 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá trong thời gian trên là 1,844 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá âm trong quý 3 là 14 triệu đồng.
Trước đó, tại thời điểm 31/12/2020, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 9.234,614 tỷ đồng, nhưng đến hết quý 1/2021 (đến hết ngày 31/03) còn 5.340,068 tỷ đồng; đến hết quý 2/2021 (đến hết ngày 30/6) chỉ còn 1.122,920 tỷ đồng.
Chi mạnh Quỹ Bình ổn giá để “hãm” đà tăng các mặt hàng xăng dầu trong nước
Trong kỳ điều hành xăng dầu ngày 10/11/2021, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 8 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 44 đồng/lít, dầu mazut không chi.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành ngày 10/11, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 758 đồng/lít đến 1.359 đồng/lít.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã linh hoạt, hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thế giới tăng 59,08-76,03%, tuy nhiên vì chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23-52,59%.
Mặc dù đây vẫn là mức tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, nhưng đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực của liên Bộ và Chính phủ.
“Chúng ta rất mong muốn là giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất. Nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành của chúng ta”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 01/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 293/TB-VPCP về kết luật của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý 3/2021 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2021.
Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; tính toán mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và công khai minh bạch trong điều hành giá.