HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 18/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị

Theo đó, HĐND TP. Hồ Chí Minh tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh, lấy tên là TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính mới tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Đây là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Trung ương Đảng và Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế vùng và liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trọng điểm phía Nam.

HĐND TP. Hồ Chí Minh giao UBND thành phố phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Bình Dương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Theo dự kiến, sau khi hợp nhất, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có diện tích 6.772,65 km², dân số toàn đô thị đạt 13.706.632 người, với 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.

Về nhân sự, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ thực hiện tinh giản 9.732 người hoạt động không chuyên trách ngay trong năm 2025. Đối với 12.600 cán bộ, công chức cấp xã và huyện dôi dư, lộ trình giải quyết sẽ kéo dài đến năm 2029, với kế hoạch giảm trung bình 2.500 người mỗi năm.

TP. Hồ Chí Minh mới sẽ phát huy ưu thế của 3 tỉnh, thành phố có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung; có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân. Đồng thời, đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Đô thị TP. Hồ Chí Minh mới sẽ phát huy hiệu quả kết nối hạ tầng giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu về đường bộ, đường thủy, biển, liên kết giữa các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; mở ra khả năng kết nối cảng biển của tỉnh Bình Dương với các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong quản lý và vận chuyển hàng hóa.

Hoạt động quản lý nhà nước tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cao hơn do 3 tỉnh, thành phố đều tập trung cho công tác cải cách hành chính, đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; duy trì và giữ vững ưu thế của 3 tỉnh, thành phố về quy mô kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới với nội lực của 3 tỉnh, thành phố tổng hợp lại.

Các đại biểu đồng thuận biểu quyết thông qua chủ trương hợp nhất 3 tỉnh thành

Các đại biểu đồng thuận biểu quyết thông qua chủ trương hợp nhất 3 tỉnh thành

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP. Hồ Chí Minh tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp từ 273 phường, xã, thị trấn hiện tại còn 102 phường, xã. Các tên các quận chữ hiện nay đều được dùng để đặt tên phường, xã để lưu giữ tên gọi khi bỏ cấp huyện. Và TP. Hồ Chí Minh sẽ đổi tên thành phường Sài Gòn ở quận 1, phường Chợ Lớn ở quận 5 và phường Gia Định ở Bình Thạnh…

Trước đó, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết, tuần qua, Ban Tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy, Sở Nội vụ của 3 tỉnh, thành đã thống nhất nhiều vấn đề. Trong đó, 3 tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề về chồng lấn ranh. Ba tỉnh, thành cũng phối hợp, trao đổi, thông tin, gắn kết trong việc xây dựng nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, nguồn nhân lực.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hdnd-tp-ho-chi-minh-thong-qua-nghi-quyet-hop-nhat-voi-binh-duong-ba-ria-vung-tau-163006.html