HĐND tỉnh giám sát thực hiện Luật Hợp tác xã và phát triển kinh tế tập thể
ĐBP - Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát chuyên đề 'Việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 và Nghị quyết 27/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020', ngày 12/9 đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Lỳ Thị Phương Diện, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) làm trưởng đoàn tiến hành giám sát tại Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
HĐND tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo báo cáo của Liên minh HTX, tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 268 HTX với 10.340 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 662.463 triệu đồng; có 470 tổ hợp tác với trên 4.000 thành viên. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX và thu nhập, nhận thức của các thành viên, người lao động trong các HTX dần được nâng cao; thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong HTX năm 2021 đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Hoạt động của các HTX đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Sản xuất kinh doanh của các HTX và thành viên đã góp phần làm gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Liên minh HTX và các cơ quan thường xuyên phối hợp, kiểm tra, nắm tình hình việc thực hiện Luật HTX; các HTX được thành lập, đăng ký theo đúng quy định; thành viên HTX là cá nhân, hộ gia đình tự nguyện góp vốn. Kết thúc giai đoạn 2016-2020, Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Điện Biên đã góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý giúp các tổ hợp tác, HTX nâng cao năng lực, tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 186 HTX đăng ký kinh doanh sản xuất liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (tăng 109 HTX so với năm 2013); tổng vốn điều lệ là 282.906 triệu đồng. Đã giải thể 37 HTX trong tổng số 58 HTX cần giải thể; số HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách là 38 HTX. Các HTX nông nghiệp đã làm tốt dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; nhiều HTX đầu tư máy móc hiện đại, mở hướng dịch vụ, kinh doanh tổng hợp, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; các thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, tạo được giá trị và lợi nhuận cao.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế trong phát triển mô hình HTX liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: Đa số các HTX sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ chưa thực hiện theo đúng điều lệ HTX và phương án sản xuất kinh doanh theo nghị quyết đại hội thành viên đã đề ra; quy mô sản xuất nhỏ, chưa huy động được nguồn vốn để hoạt động; chưa đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lỳ Thị Phương Diện đề nghị Liên minh HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, những chính sách đặc thù, xử lý những vướng mắc để HTX phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo. Tăng cường công tác kiểm tra; hướng dẫn cụ thể để các HTX thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng vai trò quản lý nhà nước; tìm đầu ra cho sản phẩm theo các chuỗi liên kết; các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp; chỉ đạo thực hiện giới thiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.