Hấp dẫn đặc sản bún ngũ sắc tại Cao Bằng
Những sắc màu rực rỡ và không khí rộn ràng biến những xưởng sản xuất bún ngũ sắc thành một điểm tham quan độc đáo tại thành phố Cao Bằng. Bún là món ăn phổ biến của người dân địa phương trong những ngày rằm, nhất là dịp rằm tháng 7.
Những ngày này, khu vực xóm Hồng Quang, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng rộn ràng bởi không khí lao động và những vị khách đến tham quan, mua hàng. Tại những cơ sở làm bún ngũ sắc, du khách thích thú với hình ảnh hàng loạt sào phơi bún ngô, bún cẩm rực rỡ sắc màu. Dù rất bận rộn trong mùa cao điểm nhưng người dân tại Hồng Quang luôn niềm nở chào đón du khách gần xa.
Chị Lý Thị Thảo - chủ cơ sở bún Liên Đồng cho biết: "Để làm các loại bún khô ngũ sắc ngon, quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Nhà tôi chỉ dùng duy nhất loại gạo bao thai lùn được trồng tại Cao Bằng; ngô hay lá cẩm cũng lấy từ địa phương. Gia đình tôi chủ yếu làm bún ngô, bún cẩm, bún trắng truyền thống theo đơn đặt hàng của khách trong tỉnh hoặc gửi đi các tỉnh, thành khác".
Theo chị Hoàng Thị Toan - chủ cơ sở bún Thủy Trang, trước đây gia đình chủ yếu làm bún trắng truyền thống, sau đó tìm tòi nguyên liệu để tạo ra bún ngũ sắc được khoảng 7 năm nay. Hiện nay tại xóm Hồng Quang có nhiều nhà làm bún, tuy quy mô khác nhau nhưng cách làm và nguyên liệu tương đồng nhau. Cơ sở của chị Thảo, chị Toan và các hộ dân trong xóm đã cùng nhau tạo ra thương hiệu bún ngũ sắc độc đáo tại Cao Bằng, được khách hàng cả nước biết đến.
Loại bún màu vàng được làm bằng ngô, phải chọn ngô tẻ giống địa phương, hạt đều, chắc để khi làm bún vị mới thơm, màu vàng đẹp. Ngô sau khi phơi khô sẽ được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm. Tiếp đó đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, sau đó cho vào máy trộn, pha thêm nước, đem hỗn hợp này vào máy ép bún để ra sản phẩm bún ngô.
Đối với bún cẩm, lấy lá cẩm tím đun lên, lọc lấy nước rồi trộn với gạo ngâm qua đêm. Sau đó đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu. Các công đoạn tiếp theo tương tự như làm bún ngô.
Bún sau khi ra từ máy ép được cắt thành từng bó dài từ 70 cm - 80 cm để đem phơi. Đem bún vào lò ủ qua đêm để bún tơi, khi gỡ bún không bị bết dính. Sáng hôm sau đem bún ra phơi chỗ râm từ 3 - 5 ngày, chú ý nếu trời nắng to hay nhiều gió thì dùng bạt để che nếu không bún sẽ giòn, dễ vỡ vụn khi vận chuyển xa. Phơi bún cũng là công đoạn "đẹp mắt" nhất, du khách thường chọn thời điểm này đếntham quan và lưu lại những bức ảnh độc đáo.
Ghé thăm làng bún Hồng Quang, bạn Bùi Thị Hoài (TP. Cao Bằng) cho biết, vài năm gần đây các điểm làm bún ngũ sắc trở thành điểm check-in độc đáo, thu hút du khách đến chụp ảnh và mua hàng: "Thích nhất là được tận mắt xem người dân chế biến và chụp ảnh với những sào phơi bún rất bắt mắt. Đây cũng là một món dễ ăn, dễ nấu theo nhiều cách như bún nước, bún trộn. Phong tục ở đây mọi người thường ăn bún trong ngày rằm, nhất là trong rằm tháng 7 làmột ngày lễ quan trọng của người Tày".
Blogger Hà Cương chia sẻ, mọi người hay gọi là bún ngũ sắc nhưng người dân Hồng Quang có thể làm ra bún với 8 màu khác nhau. Ví dụ ví dụ màu vàng của ngô, màu tím từ lá cẩm, hoa đậu biếc cho màu xanh...
Tất cả đều là nguyên liệu tự nhiên, không dùng phẩm màu nên rất an toàn. Vì khác biệt ở nguyên liệu nên các loại bún có giá thành khác nhau và cũng cho những hương vị riêng rất ngon miệng. Bún ngũ sắc rất hợp dùng với canh xương, hoặc làm bún đậu, bún xào, bún ốc và ngon nhất là món bún trộn cùng với hành, giò, rau củ.