Hào quang chiếu rọi non sông
Tròn 79 năm trước, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình đã diễn ra sự kiện trọng đại, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, sự kiện này như chiếc cầu vồng bắc qua một trang sử mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Gần tám thập niên đã trôi qua, hào quang từ sự kiện trọng đại này vẫn chiếu rọi, tỏa sáng, soi đường dẫn lối, tạo nên thế và lực để dân tộc Việt vững bước phát triển hùng cường...
Nguồn sáng tạo nên “chiếc cầu vồng” lịch sử 79 năm trước là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh vô địch của liên minh công-nông-trí thức, lực lượng vũ trang nhân dân và bản “thiên cổ hùng văn” Tuyên ngôn độc lập.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối Cách mạng đúng đắn của Đảng ta: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống ách đô hộ của Thực dân Pháp.
Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong, trực tiếp nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo để dẫn dắt Nhân dân ta tiến tới giành những thắng lợi to lớn, trong đó thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta.
Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong việc đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thời động viên Nhân dân cả nước giành thắng lợi.
Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “thuyền trưởng vĩ đại” chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ thành công. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, ngày 28/1/1941, Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm chắc thời cơ cách mạng, kịp thời đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa, kêu gọi sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mà Đại hội Đại biểu Quốc dân ngày 16/8/1945 là một trong những minh chứng điển hình.
Thành công của Đại hội cho thấy sự sáng tạo độc đáo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa với lời hiệu triệu: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến; toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.
Lãnh đạo cách mạnh là Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lực lượng thực hiện, làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám là khối liên minh giai cấp công- nông- trí thức toàn dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của việc thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân vì nhiệm vụ tối cao giải phóng dân tộc giành chính quyền. Mặt trận Việt Minh đã trở thành biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945.
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập. Nhiệm vụ và chủ trương của Việt Minh được nêu rõ trong bản tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương tập hợp hết thẩy mọi tinh thần độc lập chân chính của giống nòi, kết thành một khối cách mạng vô địch, đặng đập tan xiềng xích của Nhật - Pháp, quét sạch những mưu mô xảo trá của một nhóm việt gian phản quốc”, “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thẩy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật - Pháp để dựng nên một nước Việt Nam tự do và độc lập”...
Khởi nghĩa giành chính quyền không thể thiếu lực lượng vũ trang. Trên cơ sở lực lượng chính trị, Việt Minh các cấp đã xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để khởi nghĩa khi thời cơ đến. Ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Tổng bộ Việt Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại các địa bàn trọng yếu, lực lượng vũ trang 3 thứ quân đã trở thành các mũi xung kích, đi đầu trong việc tuyên truyền để toàn thể nhân dân nhận rõ thời cơ “có một không hai” của cách mạng, thực hiện các phương pháp đấu tranh phù hợp với tình hình, đối tượng, đồng loạt nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng diệt quân Nhật, vô hiệu hóa và lật đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày mùng 2/9/1945, thủ đô Hà Nội bừng sáng, khắp mọi nẻo đường, con phố đều rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Từng dòng người nô nức, phấn khởi từ các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình để dự ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đầu giờ chiều 2/9/1945, Bác từ Bắc bộ phủ tới Quảng trường Ba Đình, bước lên lễ đài với cương vị là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Vào giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua “Tuyên ngôn độc lập” đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Người thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Gần tám thập niên đã trôi qua, hào quang chói lọi từ sự kiện lịch sử trọng đại ngày 2/9/1945 vẫn tỏa sáng, chiếu rọi, tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực để toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước tiến lên xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Qua 94 năm thành lập, trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, được Nhân dân tuyệt đối tin tưởng.
Cùng với chủ nghĩa Mác -Lênin, Đảng ta đã xác định rõ lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị bền vững, lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sức mạnh vô địch của khối liên minh công-nông- trí thức trong Cách mạng tháng Tám đã được gìn giữ, phát huy lên tầm cao mới qua tổ chức chính trị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Từ “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” được thành lập ngày 22/12/1944 với 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, qua 80 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc, khẳng định sức mạnh qua các cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược và đang tiếp tục xây dựng, phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sau bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam, viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, là biểu tượng cho chiến thắng của một dân tộc ngoan cường chống thực dân và phong kiến.
Qua năm tháng, giá trị pháp lý và nhân văn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn vẹn nguyên giá trị, là động lực để toàn thể dân tộc Việt quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” của dân tộc, xây dựng nước nhà hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành tựu đáng tự hào này càng thôi thúc, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi trong tim về ngày trọng đại của dân tộc, nỗ lực đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hao-quang-chieu-roi-non-song-218144.htm