Hàng hóa xuất, nhập khẩu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng khó lường

Theo nhận định của cơ quan hải quan, trong năm 2024, tình hình buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ có những thay đổi, diễn biến khó lường.

Lực lượng kiểm soát Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Đỗ Quang.

Lực lượng kiểm soát Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Đỗ Quang.

Chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm

Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng như đồ thời trang, đồ gia dụng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu các loại... Các mặt hàng trên phổ biến có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan,Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)... Đáng chú ý là tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ công khai trên các website thương mại điện tử đang tăng mạnh.

Trước thực trạng đó, cơ quan hải quan có nhiều văn bản hướng dẫn hải quan các địa phương chủ động kiểm tra, phát hiện hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cục Điều tra chống buôn lậu cũng thường xuyên xây dựng các kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả phát hiện, xử lý, bắt giữ nhiều vụ việc lớn với trị giá hàng hóa vi phạm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, trong năm qua liên tục phát hiện một số vụ việc. Công ty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế N. nhập khẩu 9 mục hàng hóa mang tên SURMT, khi kiểm tra thì phù hợp khai báo của doanh nghiệp về tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, mã số hàng hóa, thuế suất. Công ty cổ phần A. nhập khẩu lô hàng gồm 21 mục hàng là áo, quần chịu nhiệt các loại mang tên LAKELAND. Song, trên các thùng hàng, hộp đựng, bề mặt sản phẩm của cả 2 công ty đều có thêm chữ R nằm trong hình tròn phía trên (Registered - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước), nhưng lại không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Hai doanh nghiệp này sau đó đều bị phạt 30 triệu đồng và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

Một vụ việc khác do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 phát hiện. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng mang nhãn hiệu BLUMaxi. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và kết luận giám định cho thấy, toàn bộ hàng hóa là bản lề dùng cho tủ bếp hiệu BLUMaxi đã xâm phạm nhãn hiệu BLUM – đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Công cụ kiểm soát chưa theo kịp thực tế

Trong quá trình đấu tranh với hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng thực thi pháp luật nói chung và cơ quan hải quan gặp rất nhiều khó khăn.

Theo chia sẻ của ông Vũ Hoài Linh - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trở ngại đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng về công nghệ số đã hình thành cho người tiêu dùng Việt Nam thói quen mua hàng online dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Mặt khác, do đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam có biên giới đường bộ trải dài 4.510 km giáp ranh với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; bờ biển Việt Nam dài 3.260 km từ Bắc vào Nam.

Thủ đoạn khá phổ biến là khai sai tên hàng; không khai báo; trà trộn hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lẫn với hàng hóa nhập khẩu có khai báo để che giấu, né tránh trong trường hợp lô hàng kiểm tra theo tỷ lệ thấp hoặc nhập khẩu hàng là linh kiện, các bộ phận tháo rời không có nhãn hiệu, sau đó về lắp ráp, in nhãn giả ở Việt Nam dán lên sản phẩm…

Ông Linh cho hay, ngay cả các nước phát triển có hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử. Tại Việt Nam, công tác này đã được Nhà nước đầu tư, quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, các quy định của pháp luật đối với việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử vẫn đang từng bước được bổ sung hoàn thiện.

Về cơ bản các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp là chủ thể quyền, đại diện chủ thể quyền đã phối hợp tốt và có hiệu quả với cơ quan hải quan trong việc giám định, xác định hàng hóa là thật hay giả mạo… Dù vậy, vẫn còn một số chủ thể quyền đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam nhưng không có đơn vị làm đại diện dẫn tới khó khăn trong công tác liên lạc, trao đổi thông tin về sản phẩm được bảo hộ. Có những vụ việc liên lạc được với đại diện chủ thể quyền nhưng cũng không nhận được phản hồi kịp thời dẫn tới không có cơ sở để dừng thông quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, phải nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và chủ thể quyền. Hai bên cần phải thường xuyên liên tục chia sẻ về nhận diện hàng thật, hàng giả, thông tin sản phẩm mới, thông tin doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu… Khi có thông tin xác minh từ cơ quan hải quan, cần được phản hồi nhanh chóng, kịp thời.

Một phần do tâm lý "thích rẻ, sính hàng hiệu"

Việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn mang lại lợi nhuận cao và do thị hiếu tiêu dùng của một số người dân thích hàng hiệu nhưng giá rẻ. Chênh lệch về giá giữa hàng hóa trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài cũng là yếu tố để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hướng tới. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế phát triển rất nhanh chóng.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hang-hoa-xuat-nhap-khau-bi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-ngay-cang-kho-luong-166024.html