Hàng giả, hàng nhái tinh vi tăng 25% so với cùng kỳ
Tính riêng trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm; khởi tố 369 vụ với 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ)...
Đó là thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tại “Diễn đàn Phòng, chống , hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra ngày 27/11 do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức.
Các diễn giả cho rằng, nhái thương hiệu, giả mạo xuất xứ... về sản phẩm sẽ bị điều tra phòng vệ thương mại, gây thiệt hại cho các DN, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp khi xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Theo Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) Hồ Tùng Bách, trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.
Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến hàng hóa không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; Hàng hóa kém chất lượng, khác so với quảng cáo; Hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…
Ông Nguyễn Xuân Khương (Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) cho hay, khi Việt Nam đã cam kết và thực thi các Hiệp định thương mai tự do (FTA), hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.
“Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế, hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường, nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Nguyễn Xuân Khương cho biết.
Đồng thời ra quan điểm, Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cần thực hiện thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm hành vi vi phạm. Các cơ quan quản lý cần rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Ở góc độ là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hồ Tùng Bách cho rằng, thời gian tới để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý.
“Những vụ việc vi phạm cần được công bố rộng rãi để từ đó nâng cao trách nhiệm và có sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, hiệp hội cũng cần nâng cao nhận thức và tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc phát hiện, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh và tàng trữ hàng giả, hàng nhái” - ông Hồ Tùng Bách chỉ rõ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hang-gia-hang-nhai-tinh-vi-tang-25-so-voi-cung-ky-402900.html