Hàn Quốc tranh cãi chuyện bỏ trường 'nhà giàu'
Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa thông báo quyết định bãi bỏ các trường trung học dành cho con nhà giàu trên khắp cả nước từ tháng 3-2025. Đây được xem là một phần nỗ lực cải thiện sự công bằng trong hệ thống giáo dục.
"Vào năm 2025, tất cả các trường tư thục tự chủ, trường chuyên ngoại ngữ, trường quốc tế sẽ trở thành trường bình thường và chúng tôi sẽ đặt nền tảng cho hệ thống giáo dục tín chỉ và hướng đến tương lai đối với trường trung học" - Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae cho biết trong cuộc họp báo tại thủ đô Seoul hôm 7-11.
Theo bà Yoo, công chúng đang lo ngại rằng sự chênh lệch trong giáo dục sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội.
Theo báo The Korea Herald, thông tin về sự thay đổi nói trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng trường dành cho con nhà giàu đóng vai trò trong việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục.
Một số người nhận định các trường loại này trở thành phương tiện để vào các trường đại học danh giá tại một xã hội, nơi bằng cấp là một trong những yếu tố quyết định tương lai của một người, từ công việc cho đến hôn nhân. Có ý kiến cho rằng trường "nhà giàu" càng làm nghiêm trọng hơn sự phân cấp giữa các trường học, khuyến khích sự cạnh tranh quá mức giữa các học sinh và thúc đẩy chi tiêu cho giáo dục tư nhân.
Học phí tại trường con nhà giàu cao gấp 3 lần mức trung bình và các bậc phụ huynh thường chi nhiều tiền hơn cho các trường tư để con mình được nhận vào học. Tính đến tháng 4-2019, Hàn Quốc có 79 trường "nhà giàu", thu hút khoảng 4% học sinh trung học. Trong khi đó, khoảng 1.555 trường trung học bình thường đang giảng dạy cho hơn 1,1 triệu học sinh.
Kể từ tháng 3-2025, các trường con nhà giàu sẽ nhận học sinh tương tự như các trường thông thường nhưng vẫn có thể duy trì tên cũ và các chương trình giảng dạy chuyên biệt.
Bộ trưởng Yoo khẳng định chất lượng giảng dạy tại các trường trung học công lập sẽ được nâng cao bằng các chương trình giảng dạy đa dạng và hệ thống tín chỉ mới, cũng bắt đầu từ năm 2025. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc sẽ phân bổ khoảng 2.000 tỉ won (1,73 tỉ USD) để cải thiện năng lực của trường thông thường trong giai đoạn 5 năm.
Dù vậy, không phải ai cũng hoan nghênh kế hoạch nói trên. Liên đoàn các Hiệp hội giáo viên Hàn Quốc (KFTA) gọi đây là động thái từ bỏ tính đa dạng của trường học, không phù hợp với hướng đi mà các nước phát triển đang theo đuổi.