Hầm đi bộ tại Hà Nội: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Để bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông, hàng chục hầm đi bộ đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hầm đi bộ vẫn chưa phát huy đầy đủ giá trị sử dụng, có nơi gần như bị bỏ không, gây lãng phí không nhỏ.

Cửa hầm thành nơi đổ rác hoặc bị chiếm dụng để hàng hóa.

Vắng vẻ, đìu hiu

Được biết, từ năm 2007 - 2008, Thành phố Hà Nội lần lượt đưa vào sử dụng hàng chục hầm đi bộ, tập trung chủ yếu tại khu vực đường Nguyễn Xiển (17 hầm), quốc lộ 32 (4 hầm), Ngã Tư Sở và tuyến đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt (2 hầm).

Hầu hết hầm đi bộ được trang bị biển chỉ dẫn đặt song song ở hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24. Điều này đã giúp hầm đi bộ trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân.

Sau hơn 10 năm được đưa vào sử dụng, các hầm đi bộ trên địa bàn Thành phố đã bước đầu giúp cho người dân đi lại an toàn khi muốn sang đường, góp phần xây dựng hệ thống giao thông thành phố văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hầm đi bộ chưa phát huy hiệu quả, lượng người đi bộ dưới hầm còn thưa thớt, gây lãng phí rất lớn.

Ghi nhận của phóng viên, khu vực Ngã Tư Sở, nơi giao nhau giữa các đường: Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Láng, hay tại các nút giao khu vực Vành đai 3 nơi giao nhau giữa các đường: Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng... luôn đông đúc, tấp nập phương tiện qua lại.

Tuy nhiên, trái với vẻ đông đúc, tập nập trên đường thì các hầm đi bộ bên dưới những nút giao này lại luôn vắng vẻ, điu hiu. Thậm chí, nhiều hầm đi bộ gần như bị bỏ hoang, rất hiếm người qua lại, nhiều hạng mục xuống cấp, bên dưới nồng nặc mùi hôi từ nước đọng, rác thải...

Là người dân sinh sống ở gần khu vực hầm đi bộ Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết: "Mặc dù đã có hầm đi bộ nhưng người dân còn có tâm lý e ngại khi sử dụng. Trong hầm chỉ lác đác vài người tập thể dục, trong khi đó trên mặt đường, nhiều người đi bộ vẫn bất chấp nguy hiểm cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để sang đường".

Lý giải về việc "ngại" xuống hầm, em Tô Vân Anh (sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Vì ở Ký túc xá Mễ Trì nên khi đến trường em phải băng qua đường Khuất Duy Tiến. Tuy nhiên, em không thường xuyên xuống hầm, khi vội thường đi qua đường cho tiện. Hơn nữa, mặc dù cửa lên xuống hầm đều được trang bị sơ đồ nhưng khá rối, dễ bị đi lạc. Đó là chưa kể ánh điện chưa đủ sáng, lại chưa sạch sẽ nên em và nhiều sinh viên khác ít sử dụng hầm đi bộ".

Tương tự như vậy, ở khu vực xa trung tâm, hầm đi bộ cũng chưa phát huy hiệu quả. Như ở đường Lý Sơn (quận Long Biên), đoạn đường dài khoảng 2km nhưng được bố trí tới 3 hầm đi bộ để phục vụ người dân sang đường, tuy nhiên, rất ít người đi bộ chọn đi qua hầm.

Hầm đi bộ gần như bỏ hoang, như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngân, chủ kinh doanh quán ăn trên đường Lý Sơn: "Tôi thấy chẳng mấy ai xuống hầm đi bộ này cả, thi thoảng trời mưa to thì thấy người ta vào trú mưa thôi. Sử dụng hầm đi bộ chủ yếu là khách đi xe buýt, nhưng do phương tiện qua lại không quá đông đúc nên nhiều khi họ cũng băng qua đường chứ không đi xuống hầm. Như vậy hầm đã không thực sự giúp ích gì cho người dân qua đường cả”.

Hầm bộ hành trên đường Khuất Duy Tiến lác đác vài người qua lại.

Để hầm đi bộ thực sự phát huy hiệu quả

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải) cho rằng, việc xây dựng hầm đi bộ ở thành phố có 10 triệu dân như Hà Nội là chủ trương đúng đắn, thiết thực nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, giúp người đi bộ, người đi xe đạp qua đường ở các nút giao thông một cách an toàn. Tuy nhiên, ở Hà Nội, việc sử dụng hầm đi bộ còn nhiều hạn chế. Hầm đi bộ còn tối tăm, kém vệ sinh, không có chỉ dẫn rõ ràng.

"Hà Nội có hàng chục hầm đi bộ nhưng khả năng khai thác khá hạn chế. Theo tôi, làm hầm đi bộ thì chỉ cần đơn giản, không nên quá rắc rối bởi dễ khiến người sử dụng đi lạc" - ông Thủy nói.

Cũng theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, để người dân thường xuyên sử dụng hầm đi bộ thì ngoài giải pháp tuyên truyền, lực lượng công an và thanh tra giao thông cần xử lý nghiêm đối với những người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định. Đồng thời, phải làm thế nào đó để giữ gìn hầm đi bộ thật sạch sẽ, thông thoáng, phải có người trực thường xuyên.

"Chính quyền thành phố cần đề ra biện pháp để thu hút người dân sử dụng hầm đi bộ nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Có thể học hỏi kinh nghiệm ở một số quốc gia về việc đưa vào sử dụng một số dịch vụ ở trong hầm để người dân không có cảm giác vắng vẻ, heo hút khi sử dụng. Người đi bộ nên được coi là một chủ thể, một khách hàng được phục vụ. Để thay đổi thói quen cố hữu, họ cần được tiếp thị, được khuyến khích và được hướng dẫn tận tình hơn nữa" - ông Thủy nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc xây dựng hầm đi bộ hay cầu vượt đi bộ là một giải pháp đáng hoan nghênh của ngành Giao thông.

"Phải khẳng định rằng, hầm đi bộ khi mới được xây dựng đều rất hiện đại, khang trang, nhưng khi đưa vào sử dụng, vận hành một thời gian thì lại xuất hiện bất cập. Hiện nay, vào buổi tối, một số hầm đi bộ trở thành nơi trú ngụ của người vô gia cư, điều đó ít nhiều khiến hầm đi bộ trở nên nhếch nhác. Hơn nữa, một số khu vực có hầm đi bộ trở thành nơi tập trung xe ôm đón trả khách, thậm chí là nơi để một số người "giải quyết nỗi buồn", hút chích ma túy. Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là hiện nay, tại một số hầm đi bộ, chúng ta chưa có biện pháp xử lý nước ngập kịp thời mỗi khi trời mưa to" - ông Liên chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, khi việc thiết kế hầm đi bộ còn có sự hạn chế, độ cao giữa các bậc cầu thang chưa thực sự phù hợp với người già, trẻ nhỏ khiến họ gặp khó khăn khi di chuyển. Cần thiết kế lối lên xuống gần với đường bộ, tránh trường hợp người dân phải đi lòng vòng mới có để di chuyển xuống hầm.

"Chúng ta cũng cần đầy mạnh việc tuyên truyền, động viên người dân sử dụng hầm đi bộ để tránh lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Việc quản lý, bảo vệ và khai thác hầm cần gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và đơn vị được giao. Thực tiễn sử dụng hầm, cầu vượt đi bộ trong thời gian qua cũng nên được Thành phố tổng kết, đánh giá để việc đầu tư trong tương lai sẽ có hiệu quả cao hơn, tránh gây ra việc xây dựng tràn lan, không phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân" - ông Liên nhấn mạnh.

Có thể nói, một hệ thống giao thông thân thiện với người đi bộ không phụ thuộc vào quy mô công trình tầm cỡ đến mức nào, mà phụ thuộc vào mức độ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Quan tâm đáp ứng tốt nhu cầu đó thì sẽ có nhiều người sử dụng hầm đi bộ, tránh lãng phí tiền bạc của Nhà nước.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ham-di-bo-tai-ha-noi-hieu-qua-chua-nhu-ky-vong-642155.html