Hai thương binh ở Bệnh xá Đức Phổ năm xưa

Tháng 3.2016, chúng tôi đến huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) thăm khu di tích mang tên Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (1942-1970).

Ông Phạm Văn Nuôi (bên trái) và ông An Văn Gia (ảnh chụp tại Đức Phổ năm 2016)

Dừng chân ở di tích Bệnh xá Đức Phổ tại đồi Gò Chày, thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm, các thành viên trong đoàn kể lại những kỷ niệm tại đây thời máu lửa.

Luôn lãng mạn, lạc quan

Cựu chiến binh An Văn Gia, quê xã Tứ Cường (Thanh Miện), là chiến sĩ đặc công Mặt trận 44 Quảng Đà hồi chống Mỹ. Tháng 4.1974, trong một trận quyết chiến, anh dính đạn địch, gãy chân, được đưa vào Bệnh xá Đức Phổ điều trị. Hằng ngày, nhìn chị Cúc - bác sĩ (nay đã qua đời) và các y sĩ, y tá ngồi để thương binh nặng dựa lưng, anh đã viết: “Dựa vào vai em/ Vết thương đỡ nhức/ Giọng hát hiền như đêm/ Ru người thương binh ngủ/ Ngày mai đây khắp chân trời tôi tới/ Dựng xây cuộc sống huy hoàng/ Hà Nội - Sài Gòn đường nối thênh thang/ Tôi sẽ vào thăm tất cả”. Kể chuyện xưa, ngẫm sự nay, nước mắt anh đẫm hàng mi...

Cùng ở bệnh xá với anh Gia, có cô giáo Phùng Thị Thùy người địa phương, bị thương vào chân khi cô đang giảng bài cho học sinh. Ngày ngày, cô tập đi bằng chiếc nạng gỗ. Gần lúc cô xuất viện, anh Gia bí mật dùng bút bi viết lên thân chiếc nạng: “Ai làm chiếc nạng xinh xinh/ Nạng như đôi cánh nâng mình ta bay”. Cô Thùy ra viện rồi mới nhìn thấy câu thơ, liền trở lại bệnh xá thì anh Gia đã được chuyển đi điều trị ở trạm phẫu tiền phương trong rừng…

Hòa bình, cô giáo Thùy đã nhiều lần đưa tin tìm người viết câu thơ trên chiếc nạng. Anh Gia thì nhập trường đại học ở Hà Nội. Vừa miệt mài đèn sách, vừa chống chọi vết thương tái phát. Tiền nong eo hẹp, phải dành cho mua tài liệu nên hạn chế quan tâm báo chí. Cô Thùy không thấy tin hồi âm, đã nghĩ tới điều xấu nhất: Người viết thơ hy sinh rồi. Nỗi buồn dài theo năm tháng...

Vợ chồng ông Nuôi

Tình cờ, năm 2005, anh Gia vào xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) tìm hài cốt đồng đội. Anh gặp được cô giáo Thùy. Kỷ niệm xưa hiển hiện tươi rói...

Cựu chiến binh Phạm Văn Nuôi, sinh năm 1952, thương binh hạng 1/4, quê ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Năm 1971, anh Nuôi vào đội du kích thôn và được các anh chị trong đội dạy học chữ cốt để hoạt động cách mạng được thuận tiện. Năm 1973, trong khi chống địch càn quét lấn chiếm, anh Nuôi bị thương ở cột sống, phải nằm điều trị tại Bệnh xá Đức Phổ cả năm trời. Anh không bi lụy. Anh tựa lưng vào các bác sĩ, hộ lý... hát bài chòi cho các thương binh nghe: “Em lớn lên trong chiếc nôi cách mạng/ Đuốc xà nu thắp sáng dưới cờ/ Theo dấu chân người chiến sĩ Ba Tơ/ Đưa đoàn quân ra trận…”.

Thắm tình Quảng Ngãi - Hải Dương

Cùng nằm điều trị bên nhau, anh Gia dạy anh Nuôi học văn hóa, chép tặng anh Nuôi bài hát "Rặng trâm bầu" của nhạc sĩ Thái Cơ mà anh Nuôi rất thích. Đặc biệt, anh Gia đã hỗ trợ anh Nuôi viết hồ sơ gia nhập Đảng. Dịp ấy, anh Nuôi trở bệnh, rất yếu, không cầm nổi cái bút. Anh nằm nói ra sự tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng. Anh Gia ghi lại để anh Nuôi ký tên rồi gửi cấp ủy chi bộ.

Ông Gia và ông Nuôi (hai người ngồi giữa) trong buổi gặp mặt hai gia đình tại nhà ông Nuôi năm 2022

Ngày 24.4.1974, anh Nuôi giơ nắm tay dưới cờ Đảng, thề: “Suốt đời hy sinh phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản”!... Tổ chức đã có ý định, ngay sau ngày 24.4.1975 (ngày anh trở thành đảng viên chính thức) thì đưa anh ra miền Bắc chữa bệnh và học thêm. Song, vào đúng ngày đó, biết chắc chắn miền Nam sẽ sớm được giải phóng và đất nước sẽ thống nhất, cấp trên đã giữ anh lại tiếp tục điều dưỡng sức khỏe và bồi dưỡng văn hóa cho anh tại Quảng Ngãi.

Lành vết thương, anh Nuôi ra viện nhưng không tránh khỏi khuyết tật. Năm 1984, anh gặp chị Lê Thị Nhung (cùng quê, kém anh 5 tuổi). Hai người yêu nhau. Gia đình chị Nhung không đồng ý vì anh bị thương cột sống, liệu có sinh con được hay không? Nhưng anh chị quyết tâm. Năm 1985, đón con trai đầu lòng là Phạm Văn Phước, chị Nhung khóc trong niềm hạnh phúc vô biên. Sau đó, anh chị có thêm hai người con nữa là Phạm Thị Lộc (sinh năm 1988) và Phạm Văn Thọ (sinh năm 1990). Các con của anh chị đều phương trưởng. Đặc biệt, Phạm Văn Thọ dự thi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2008.

Hiện anh Nuôi rất gầy, tựa bộ xương được nối với nhau bằng những sợi gân cơ. Bàn chân trái cong queo, luôn luôn phải đi giày mềm, để “giày uốn theo chân”. Nhưng anh vẫn chống gậy và tự mình gắng gồng, lết đi quanh nhà, quanh vườn, xem đàn bò, luống rau... Anh không cho ai dìu đỡ. Anh bảo: “Tự tui vận động thì ít bị ngã hơn. Vì tui biết lựa cơ thể của mình. Và nếu có ngã thì tui cũng tự biết để chống đỡ. Sau đó, tui chủ động từ từ đứng lên. Nếu để người khác dìu đỡ thì tui rất khó nhọc. Có khi tự nhiên tụt xuống như đống sụn, phải chật vật để đứng dậy”. Sự thật này làm cho mọi người vô cùng cảm phục anh.

Chuyện của anh Gia, anh Nuôi - hai thương binh trong rất nhiều đồng đội cùng nằm điều trị tại Bệnh xá Đức Phổ năm 1974 (thời điểm sau khi bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh 4 năm) được chính các anh kể lại tại khu di tích lịch sử mang tên chị. Mới năm ngoái, gia đình hai anh đã gặp lại nhau tại nhà anh Nuôi - một địa chỉ ân tình giúp những người trở lại địa phương tìm hài cốt liệt sĩ.

Năm 2015, được anh Nuôi trực tiếp chỉ dẫn, ông Nguyễn Văn Lai ở huyện Tứ Kỳ, cựu chiến binh Mặt trận 44 Quảng Đà, đã tổ chức đưa được hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Đen về quê ở huyện Ninh Giang...

PHẠM XƯỞNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/hai-thuong-binh-o-benh-xa-duc-pho-nam-xua-232857