Hải Phòng: Thiệt hại nặng nề sau siêu bão số 3, hàng trăm doanh nghiệp xin 'trợ giúp'

Bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho Thành phố Hải Phòng nói chung và các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng. Ngay sau khi bão tan, các doanh nghiệp đã dần ổn định sản xuất trở lại và mong chính quyền thành phố hỗ trợ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka tại KCN Đồ Sơn thiệt hại nặng nề sau bão

Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka tại KCN Đồ Sơn thiệt hại nặng nề sau bão

Doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sản xuất trở lại

Siêu bão số 3 (bão Yagi) càn quét, khiến nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp lớn của Thành phố Hải Phòng như Vsip, Đình Vũ, Đồ Sơn, Normura… bị thiệt hại rất nặng nề, có doanh nghiệp mất cả chục triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một số công ty chưa thể hoạt động, số khác cũng chỉ mới khắc phục tạm thời và đang tiếp tục khắc phục những hậu quả sau cơn bão.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, một số khu công nghiệp tại địa phương này bị ngập lụt, mái nhà xưởng của doanh nghiệp bị tốc; cổng, hệ thống camera, cây xanh... hư hại. Trong đó, tại Khu Công nghiệp Deep C, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, Global Meterial Handling, Adhes Việt Nam, IDP Đình Vũ và Suhil Việt Nam.

Nhiều dãy nhà xưởng của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka bị bão tàn phá tan tành

Nhiều dãy nhà xưởng của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka bị bão tàn phá tan tành

Tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn, Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka là một trong những đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo ghi nhận, 3 nhà xưởng của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu xây dựng Jinka đều bị tốc phần lớn mái, hệ thống điều hòa tổng đổ gãy ngổn ngang. Đến ngày 18/9, công ty vẫn đang tiếp tục khắc phục thiệt hại sau bão như thu dọn nhà xưởng, sửa chữa trang thiết bị bị hư hỏng nên chưa thể trở lại hoạt động toàn bộ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp khác tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn cũng cho biết bão số 3 gây tốc mái nhà xưởng, nước ngập gây hư hỏng hệ thống lò hơi của dây chuyền sản xuất dẫn đến thời gian sửa chữa kéo dài nên đến hiện tại (ngày 18/9), doanh nghiệp này vẫn chưa thể trở lại sản xuất. Số lượng công nhân của công ty được doanh nghiệp điều động luân phiên để làm những công việc khác chuyên môn như lau dọn, dọn dẹp nhà xưởng để chờ thời gian quay trở lại hoạt động.

Tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam cho biết, bão số 3 khiến công ty thiệt hại khoảng 10 triệu USD. Trong đó có 8 triệu USD là do hư hỏng nhà xưởng, máy móc và 2 triệu USD đến từ các đơn hàng sản xuất lốp xe với đối tác bị bỏ dở, đình trệ. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã trở lại hoạt động nhưng chưa hết công suất do vẫn còn máy móc, nhà xưởng hư hỏng cần sửa chữa, thay thế.

Nhà để xe của Công ty TNHH chế xuất sợi thép Dusco Vina Hải Phòng cũng bị bão quật đổ

Nhà để xe của Công ty TNHH chế xuất sợi thép Dusco Vina Hải Phòng cũng bị bão quật đổ

Trao đổi với Báo PNVN, ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết, hầu hết các khu công nghiệp tại Hải Phòng đều bị thiệt hại nặng do bão số 3. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gãy đổ; nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão. Nhiều doanh nghiệp nhà xưởng bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật; không ghi nhận thiệt hại về người. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 200 doanh nghiệp trên tổng số 568 doanh nghiệp tại Hải Phòng bị thiệt hại sau bão, với số tiền khoảng 480 tỉ đồng.

Kiến nghị trợ lực cho doanh nghiệp

Ông Jung Hyeok, Tổng giám đốc Công ty LS Metal Vina đại diện cho nhóm doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Deep C đề nghị một phần tiền lương của người lao động do các doanh nghiệp ngừng sản xuất được bảo hiểm xã hội chi trả. Vị này cho rằng, điều này sẽ giúp các công ty giữ chân người lao động, giảm bớt gánh nặng tài chính.

Tường bao của Công ty TNHH chế xuất sợi thép Dusco Vina Hải Phòng bị bão thổi bay hàng chục mét

Tường bao của Công ty TNHH chế xuất sợi thép Dusco Vina Hải Phòng bị bão thổi bay hàng chục mét

Bên cạnh đó, ông Jung Hyeok cũng mong muốn hoãn các cuộc điều tra và thanh tra của các cơ quan Chính phủ như hải quan, cơ quan thuế và cơ quan phòng cháy chữa cháy cho đến khi quá trình phục hồi hoàn tất. "Đây là khoảng thời gian để các công ty có thể tập trung hoàn toàn vào các nỗ lực phục hồi", ông Jung Hyeok cho biết.

Các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Deep C cũng đồng đề nghị giảm tạm thời nhiều loại thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiền điện, tiền nước để giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình phục hồi. Các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bị ảnh hưởng bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.

Với thiệt hại ước tính lên đến khoảng 10 triệu USD, bên cạnh những kiến nghị về việc lùi thời gian đóng thuế; giảm các cuộc thanh, kiểm tra cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh các hoạt động thanh quyết toán với cơ quan bảo biểm, ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam cũng mong muốn cơ quan hải quan giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến nhập khẩu trang thiết bị hỏng hóc của doanh nghiệp do tác động của bão số 3.

"Bão số 3 khiến doanh nghiệp chúng tôi bị thiệt hại nặng nề, nhiều máy móc bị hư hỏng. Đây là những máy móc đều phải nhập khẩu từ nước ngoài về đến phục vụ quá trình sản xuất. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng mong muốn được cơ quan hải quan tạo điều kiện tốt nhất các thủ tục nhập các loại máy móc này nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi", Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam kiến nghị.

Ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ sau bão

Ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ sau bão

Mặc dù dưới sự tác động của thiên tai khiến nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ nhưng chia sẻ với Báo PNVN, trong thời điểm mưa bão, bên cạnh việc phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp cũng có những động thái chăm lo, hỗ trợ người lao động.

"Trong tổng số 400 người lao động làm việc tại công ty thì có khoảng 5% người lao động bị ảnh hưởng thiệt hại trung bình do bão, 25% bị thiệt hại mức độ nhẹ. Nhận thấy tình hình mưa bão sẽ khiến cuộc sống người lao động bị ảnh hưởng nên phía doanh nghiệp đã có những chính sách để chia sẻ khó khăn với người lao động. Doanh nghiệp cho toàn bộ người lao động nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương để ổn định cuộc sống sau bão. Mỗi cá nhân cũng sẽ được hỗ trợ 10kg gạo cùng 100.000 đồng tiền mặt", đại diện Công ty TNHH LIHIT LAB Việt Nam (Khu Công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng) cho biết.

Với Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam, cùng với việc rà soát các thiệt hại chung của doanh nghiệp, doanh nghiệp này cũng đã đề nghị người lao động báo cáo thiệt hại của gia đình mình để doanh nghiệp báo cáo lãnh đạo công ty hỗ trợ một phần giúp người lao động yên tâm làm việc.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Sau hơn 1 tuần khôi phục sản xuất sau bão, Công ty TNNH OKI Việt Nam (Khu Công nghiệp Tràng Duệ) đã quay trở lại làm việc. Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau bão nhưng công ty cũng đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ cho công nhân, lao động để họ yên tâm sản xuất. Tính đến ngày 18/9, công ty cũng đã xuất 2 container hàng với 34 cây rút tiền tự động, gần 800 bộ linh kiện, trung bình mỗi ngày công ty đều xuất 2 đến 5 container hàng.

Ông Lê Trung Kiên (đội mũ), thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3

Ông Lê Trung Kiên (đội mũ), thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3

Ông Lê Trung Kiên cho biết, sau khi bão số 3 đi qua, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã cho thống kê thiệt hại cũng như nguyện vọng, đề xuất của các doanh nghiệp. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Ban quản lý, lãnh đạo ban sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra các giải pháp có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Ban quản lý cũng đề nghị các công ty kinh doanh hạ tầng xem xét giảm thuế, phí. Ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất, đầu tư thiết bị mới. Các cơ quan liên quan cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế, phí để có thêm thời gian phục hồi sản xuất và một số nội dung khác. Các đoàn đang tiến hành thanh tra đối với doanh nghiệp sẽ giãn, hoãn tiến độ kiểm tra. Đối với các đoàn đã có kế hoạch, thời gian triển khai sẽ lùi lịch sang đầu năm 2025.

Thiệt hại sau bão số 3 rất nặng nề, nhiều DN ở Hải Phòng mong nhận được sự trợ giúp từ chính quyền

Thiệt hại sau bão số 3 rất nặng nề, nhiều DN ở Hải Phòng mong nhận được sự trợ giúp từ chính quyền

"Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng sẽ cùng với doanh nghiệp làm việc với các công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm triển khai thủ tục bồi thường sớm nhất. Trường hợp doanh nghiệp nào có vướng mắc, cần hỗ trợ trong việc kê khai tài sản thiệt hại với cơ quan bảo hiểm, phía Ban Quản lý cũng sẽ cử lực lượng hỗ trợ tối đa. Mong muốn lớn nhất của thành phố thời điểm này là các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, phục hồi, chung tay cùng xây dựng thành phố phát triển, nhanh, mạnh, bền vững", ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xuất, nhập máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, ông Trần Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng thông tin, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, làm việc không quản giờ giấc để doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục, sớm ổn định sản xuất.

Châu Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hai-phong-thiet-hai-nang-ne-sau-sieu-bao-so-3-hang-tram-doanh-nghiep-xin-tro-giup-2024092112024505.htm