Hải Dương: Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc
Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Hải Dương có 495 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 9.218,2 triệu USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thu hút trên 210.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 14,2%
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 330,3 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới cho 11 dự án với số vốn đăng ký 33 triệu USD (5 dự án nằm ngoài khu công nghiệp vốn 13 triệu USD, 6 dự án trong khu công nghiệp vốn 20 triệu USD).
Điều chỉnh tăng vốn cho 27 lượt dự án, với số vốn 293,3 triệu USD (6 dự án ngoài khu công nghiệp vốn tăng 20,4 triệu USD; 21 dự án trong khu công nghiệp vốn tăng 272,9 triệu USD).
Ngoài ra, có 15 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị góp vốn 4 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, mặc dù vốn thu hút dự án cấp mới còn chưa cao nhưng số vốn đầu tư tăng thêm, tăng đáng kể 63% so với cùng kỳ năm trước, khi tình hình dịch đã được kiểm soát các nhà đầu tư tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.
Một số dự án tăng vốn khá như dự án nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina tăng 30 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam tăng 39,3 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Kefico tăng 50 triệu USD; dự án sản xuất máy may Fegasus...
Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp FDI vào Hải Dương ước đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ năm 2021, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI tại địa bàn đạt khoảng 7.600 triệu USD.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 9 tháng đầu năm 2022 khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao mà doanh nghiệp đang phải đối mặt khi thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, nhưng một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 430 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh thu 9 tháng 2022 của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.800 triệu USD tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021 (3.800 triệu USD); trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 4.200 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2021 (3.000 triệu USD).
Nhập khẩu ước đạt 3.000 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021 (2.300 triệu USD); Thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 300 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ năm 2021 (230 triệu USD); Tổng số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp FDI đạt khoảng trên 210.000 người cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.
Về thu hút đầu tư trong nước, 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương có 55 dự án (trong đó 12 dự án đầu tư mới và 43 dự án điều chỉnh) với tổng vốn thu hút đầu tư khoảng 524,43 tỷ đồng.
Ưu tiên thu hút dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh xác định tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm đồng bằng Sông Hồng để thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp Đại An mở rộng (giai đoạn 2), Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1, Kim Thành, Gia Lộc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư.
Cùng với đó, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu và xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư của các đối tác đầu tư chiến lược như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, các nước Châu Âu…, từ đó xây dựng các chính sách, chương trình xúc tiến riêng và sử dụng các kênh thông tin liên lạc riêng để tiếp cận các nhà đầu tư, đáp ứng tối đa yêu cầu của các nhà đầu tư nhằm thu hút những dự án đầu tư thực sự có chất lượng và hiệu quả cao.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư, trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường…, nhằm loại bỏ phiền hà tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển phục hồi sản sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp...