Hà Tĩnh đề xuất bổ sung kinh phí GPMB cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi
Do nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi tăng, Hà Tĩnh đề xuất Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long bổ sung 119,3 tỷ đồng.
Với chiều dài 35,28km, tuyến cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuyến cao tốc này có điểm đầu giao với nút giao quốc lộ 8 tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, kết nối với cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt và điểm cuối ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, nối tiếp với cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng.
Dự án có tổng mức đầu tư 7.643 tỷ đồng, do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến thông xe vào dịp 30/4/2025.
Tuyến chính cao tốc Bãi Vọt – Hàm đi qua các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và tuyến kết nối cao tốc đi qua TP Hà Tĩnh. Để có mặt bằng triển khai dự án, Bộ GTVT đã phân khai nguồn vốn cho 4 địa phương của Hà Tĩnh số tiền gần 1.243 tỷ đồng thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với diện tích 318,6 ha đất các loại.
Với việc phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện việc giải phóng mặt bằng (GPMB) và sự đồng thuận, ủng hộ từ các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, tới thời điểm này, các địa phương Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh đã bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi đạt 99,99%. Phần vướng mắc còn lại chủ yếu là hạ tầng đường điện và một số công trình kỹ thuật khác.
Vừa qua, Sở GTVT đã có văn bản gửi Ban QLDA Thăng Long – chủ đầu tư tuyến cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, đề xuất bổ sung nguồn vốn 119,3 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB cho dự án cao tốc này. Sau khi tiếp nhận văn bản, Ban QLDA Thăng Long đã đề nghị UBND tỉnh – cơ quan tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có văn bản gửi Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long về việc bổ sung nguồn vốn để ban có cơ sở báo cáo Bộ GTVT.
Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Tĩnh, việc đề xuất bổ sung 119,3 tỷ đồng thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi dựa trên tổng hợp của các địa phương gửi lên. Số tiền đề nghị bổ sung của các địa phương gồm huyện Đức Thọ là 15,75 tỷ đồng, huyện Can Lộc 55,67 tỷ đồng, huyện Thạch Hà 40,27 tỷ đồng và TP Hà Tĩnh 7,61 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho hay: Nhu cầu vốn để thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi đoạn qua địa bàn vào khoảng 527,2 tỷ đồng, trong khi tới thời điểm này, địa phương đã được bố trí 486,9 tỷ (hiện đã giải ngân được 481,2 tỷ đồng). Nhu cầu vốn cần bổ sung để huyện hoàn thành việc GPMB dự án là 40,27 tỷ đồng (năm 2024 là 6,4 tỷ và năm 2025 là 33,8 tỷ).
“Địa phương đang cần bổ sung nguồn vốn GPMB để nhanh chóng thực hiện việc di dời hạ tầng lưới điện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công thuận lợi” - ông Nguyễn Văn Sáu thông tin.
Trong khi đó, để thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi đoạn qua địa bàn, huyện Can Lộc đã được cấp nguồn vốn 653,28/527,21 tỷ. Địa phương này đề xuất bổ sung nguồn kinh phí GPMB là 55,67 tỷ đồng (năm 2024 là 34.5 tỷ và năm 2025 là 21.17 tỷ).
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn cho biết: Trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai trên địa bàn tỉnh, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi là cần bổ sung nguồn vốn GPMB. Việc đề xuất bổ sung nguồn là thủ tục bình thường, đúng quy định pháp luật.
Trong số tiền 119,3 tỷ đồng mà các địa phương đề xuất bổ sung vào nguồn kinh phí GPMB, chủ yếu là để thực hiện di dời hạ tầng lưới điện phục vụ thi công dự án, vốn đang khá chậm, nhất là lưới điện cao thế (220kV, 550kV). Việc hệ thống lưới điện chậm được di dời khiến quá trình thi công cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi tại một số vị trí bị ảnh hưởng.
Hiện nay, Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh làm rõ về đề xuất nhu cầu nguồn vốn còn thiếu cần bổ sung để thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi.
Theo thông tin từ Ban QLDA Thăng Long, dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi được chia thành 1 gói thầu là gói thầu xây lắp số 11-XL do liên danh Tổng Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng thi công.
Với mục tiêu hoàn thành tuyến chính trước 30/4/2025, thời điểm này, liên danh nhà thầu đã đào nền (đào đất, đá các loại) đạt 100%; đắp đất K95 đạt 94,96%, đất K98 đạt 74,25%; thi công cấp phối đá dăm gia cố xi măng được 17,26km; thảm bê tông nhựa rỗng C25 được 13,16km, bê tông nhựa chặt C19 được 6,07km.
Nhà thầu cũng đồng loạt thi công 25 cầu trên tuyến với khoan cọc nhồi đạt 100%, mố trụ cầu đạt 100%, đúc 639 dầm Super-T và hiện cẩu lắp dầm được 585 phiến; thi công được 48 hầm chui dân sinh.
Hiện nay, trên công trường đang có 46 mũi thi công (26 mũi thi công đường; 20 mũi thi công cầu) với 788 nhân sự, 423 máy móc, thiết bị và ô tô vận chuyển...
Lũy kế sản lượng đến hết ngày 5/12/2024 là 3.057,82/4.645,84 tỷ đồng, đạt 65,85% hợp đồng.