Hà Tĩnh: Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, phòng chống các dịch bệnh do lũ lụt gây ra, ngành Y tế Hà Tĩnh huy động lực lượng về các địa phương cùng với chính quyền hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xảy ra

Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh hướng dẫn, giám sát xử lý nguồn nước sinh hoạt tại huyện Hương Khê.

Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh hướng dẫn, giám sát xử lý nguồn nước sinh hoạt tại huyện Hương Khê.

Mưa lớn kèm theo việc xả lũ các hồ đập và thủy điện Hố Hô đã gây ngập trên diện rộng, huyện Hương Khê là địa phương thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Hương Khê: Mưa lũ làm ngập lụt 21/21 xã, phường, thị trấn; 4.358 nhà dân, 4.652 giếng nước sinh hoạt, 7 trường học, 01 trụ sở UBND cùng hàng chục ngàn chuồng trại chăn nuôi bị ngập, công trình vệ sinh bị ngập, một số trạm y tế bị ngập nước và hư hỏng tại xã Hương Đô, Hương Thủy và Hòa Hải.

Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, ngay sau khi nước rút, Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó với lũ lụt và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ tại huyện Hương Khê.

Qua kiểm tra tại các địa phương và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, nhất là các bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh ngoài da… vì vậy, đề nghị Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cần tập trung lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương, trạm y tế xã ra quân xử lý môi trường và nước sinh hoạt cho nhân dân ngay sau khi nước rút; chú trọng vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình. Ông Nguyễn Chí Thanh cũng đề nghị UBND huyện bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B nhằm kịp thời cấp phát cho địa phương người dân vùng ngập lụt xử lý môi trường, nước sinh hoạt khi cần thiết.

Huyện Đức Thọ cũng có hai xã là An Dũng và Lâm Trung Thủy bị ngập lụt với 49 hộ, trong đó có 14 hộ nước ngập sâu vào nhà, nhiều giếng nước bị ngập. Tại huyện Nghi Xuân có xã Cổ Đạm và Xuân Hội với 150 hộ bị ngập cục bộ, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của nhân dân.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế huyện Hương Khê trao thuốc, hóa chất phòng chống dịch cho Trạm Y tế xã Hương Trạch.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế huyện Hương Khê trao thuốc, hóa chất phòng chống dịch cho Trạm Y tế xã Hương Trạch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Tĩnh đã cấp bổ sung 350kg Cloramin B và 55.000 viên Aquatab khử khuẩn nước sạch sinh hoạt cho huyện Hương Khê. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Tĩnh đã cấp 689.000 viên Aquatab khử khuẩn cho các huyện, thị xã, thành phố; riêng huyện Hương Khê được cấp 70.000 viên.

Ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế các huyện miền núi, các huyện vùng bị ngập lụt phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau lũ, xử lý nước giếng khơi và đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường thôn, xóm, chủ động phòng, chống các dịch bệnh phát sinh khi nước lũ rút.

Vân Hà – Trần Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-chu-dong-phong-chong-dich-benh-sau-mua-lu-363752.html