Hà Nội: Tỷ lệ 'chọi' cao, làm sao có tấm vé vào lớp 10 công lập?
Cạnh tranh gắt tại kỳ thi lớp 10 Hà Nội, nhiều trường có tỷ lệ chọi 1/2, học sinh cần có chiến thuật để có được 'tấm vé' vào lớp 10.
Tháng 5, không khí ôn thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và đào tạo đã công bố chỉ tiêu vào từng trường. Top các trường có tỷ lệ chọi cao nhất là THPT Yên Hòa, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), THPT Kim Liên, THPT Đống Đa với tỷ lệ chọi lần lượt là 1/2,4; 1/2,3; 1/2,1 và 1/2, tức là cứ khoảng 2 học sinh thì có 1 em trượt.
Căng thẳng, áp lực, lo lắng đó là cảm xúc chung của nhiều học sinh lớp 9 trong giai đoạn nước rút này.
Trong bối cảnh ấy, không chỉ kiến thức mà cả tinh thần, sức khỏe và chiến lược học tập đều đóng vai trò quan trọng. Vậy thí sinh cần chuẩn bị gì để bước vào kỳ thi lớp 10 một cách vững vàng, tự tin và hiệu quả nhất?
Lên kế hoạch học tập khoa học, giải quyết điểm yếu
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ở giai đoạn này, thí sinh chuẩn bị dự thi lớp 10 cần lập kế hoạch ôn tập chi tiết, trong đó xác định các môn hoặc phần kiến thức còn yếu để dành thời gian ôn luyện nhiều hơn. Việc chia nhỏ nội dung ôn tập theo từng tuần, từng ngày sẽ giúp học sinh tránh cảm giác quá tải”.
Theo bà Hải, thí sinh nên thường xuyên luyện giải đề thi thử để làm quen với cấu trúc đề và rèn kỹ năng xử lý thời gian. “Khi làm bài, các em cần luyện thói quen phân bổ thời gian hợp lý: Bài dễ làm trước, bài khó đánh dấu lại để xử lý sau, nhằm tránh bỏ sót phần bài dễ lại bị mất điểm”, bà nói.

Thí sinh cần có chiến thuật trong giai đoạn "nước rút" để có suất vào lớp 10 công lập. Ảnh: Minh Khánh.
Với môn Ngữ văn, học sinh cần luyện kỹ năng viết mạch lạc, rõ ràng, có lập luận chặt chẽ. Với môn Ngoại ngữ, cần tập trung rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm một cách nhanh và chính xác.
Cô Lương Thu Thủy, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thừa nhận rằng tâm lý căng thẳng là điều dễ hiểu, nhất là khi học sinh đăng ký vào các trường có tỷ lệ cạnh tranh cao. Theo cô Thủy, điều quan trọng nhất lúc này là giữ tâm lý vững vàng, không dao động, kiên định với mục tiêu.
“Học sinh cần có một kế hoạch học tập rõ ràng, bám sát đề thi minh họa và không nên học dàn trải. Ôn kỹ kiến thức nền tảng, luyện chắc kỹ năng làm bài, đặc biệt là luyện đề theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Thủy chia sẻ.
Đối với môn Văn, cô khuyên học sinh không nên học tủ, mà nên ôn tập theo đặc trưng từng thể loại văn bản, nắm vững nội dung, nghệ thuật và giá trị tư tưởng. Ngoài ra, cần rèn kỹ năng viết đoạn văn, bài văn chặt chẽ và cập nhật vốn sống, hiểu biết xã hội để làm tốt phần nghị luận xã hội.
Gia đình đồng hành, không gây áp lực
Bà Hải cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe tinh thần: “Ngủ đủ giấc giúp tái tạo năng lượng và cải thiện khả năng tập trung. Chế độ ăn uống lành mạnh và thời gian thư giãn hợp lý sẽ giúp học sinh duy trì thể lực cũng như sự minh mẫn trong giai đoạn căng thẳng này”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Thủy cũng nhấn mạnh vai trò của sức khỏe tinh thần. Học sinh cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Nếu quá lo âu, hãy trò chuyện với thầy cô, bạn bè hoặc cha mẹ.
Bên cạnh sự chuẩn bị của học sinh, sự đồng hành từ phía gia đình cũng vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần tránh tạo áp lực bằng những kỳ vọng quá mức, thay vào đó nên động viên, khích lệ và cùng con vượt qua thử thách.
“Dù kết quả như thế nào, miễn là các con đã nỗ lực hết mình thì đó đã là một thành công đáng trân trọng", cô Thủy nói thêm.
Kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông, dù áp lực hay nhiều thử thách, vẫn chỉ là một cột mốc trong hành trình dài của tuổi học trò. Điều quan trọng không chỉ là điểm số hay ngôi trường đỗ, mà là quá trình nỗ lực, tự học, tự trưởng thành mà mỗi học sinh đã trải qua. Khi chuẩn bị với tâm thế chủ động, vững vàng, các em không chỉ bước vào phòng thi với sự tự tin, mà còn mang theo hành trang quý giá cho những chặng đường phía trước.
Dẫu tỷ lệ “chọi” có cao đến đâu, với sự đồng hành của thầy cô, gia đình, và chính bản thân mình, các em hoàn toàn có thể biến kỳ thi này thành một dấu mốc đáng nhớ không phải vì áp lực, mà vì sự trưởng thành.
Năm 2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội diễn ra ngày 7 và 8/6 với 3 môn thi gồm: Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Sáng 7/6, thí sinh thi môn Ngữ văn trong 120 phút; chiều cùng ngày thi môn Ngoại ngữ trong 60 phút. Sáng 8/6, thí sinh làm bài thi môn Toán trong 120 phút.
Công thức tính điểm xét tuyển vào lớp 10 của Hà Nội năm nay như sau: Điểm xét tuyển = điểm Toán + điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có) + điểm khuyến khích (nếu có).
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp trung học phổ thông phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt.