Hà Nội, TP HCM giảm hàng chục xã, phường sau sắp xếp
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư ở cấp huyện là 136 người, cấp xã 3.342 người
Ngày 14-11, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thông qua các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP HCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Giảm 1 đơn vị cấp huyện và 161 đơn vị cấp xã
Theo đó, TP Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới, sau sắp xếp giảm 53 đơn vị. TP HCM sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phường.
Cũng theo phương án được thông qua, tỉnh An Giang giảm 1 đơn vị cấp xã; Đồng Tháp giảm 2; Hà Nam 11; Phú Thọ 18; Quảng Ngãi 3; Quảng Trị 6; Sơn La 4; Vĩnh Phúc 15; Hà Tĩnh giảm 1 huyện và 7 xã; Trà Vinh giảm 2 phường.
Như vậy, sau sắp xếp, các địa phương trên giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Chính phủ, sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư tại cấp huyện là 136 người, cấp xã là 3.342 người. UBND 12 tỉnh, thành đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ đối với số cán bộ, công chức, viên chức này.
Về số lượng tài sản công dôi dư sau sắp xếp, cấp huyện có 9 trụ sở, cấp xã có 329 trụ sở. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý.
Ủy ban Pháp luật của QH đánh giá các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể. Cơ quan này cũng đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành các Nghị quyết là từ tháng 1-2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La từ tháng 2-2025, để tạo điều kiện cho địa phương chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu.
Xin ý kiến về áp thuế VAT với phân bón
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo dự thảo luật sau tiếp thu, chỉnh lý, ngưỡng doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng/năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết qua quá trình làm việc, Chính phủ đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.
Ông Lê Quang Mạnh thông tin tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo ngày 11-11, cơ quan soạn thảo thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Phần lớn ý kiến Thường trực Ủy ban thống nhất với phương án xử lý này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng cần xin lại ý kiến lãnh đạo Chính phủ để có thể đạt được sự thống nhất.
Nêu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT hằng năm sẽ giao cho Chính phủ quy định. Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh với tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, QH chỉ quyết những gì thuộc thẩm quyền, còn nội dung nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì giao Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm.
Liên quan đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế 5% trong dự thảo luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết tại phiên thảo luận ở hội trường của kỳ họp thứ 8, một số đại biểu chưa thống nhất nội dung này. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến chỉ đạo.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hoàn thiện, lấy ý kiến đại biểu QH việc áp thuế 5% với phân bón để tạo sự đồng thuận trước khi xem xét thông qua dự thảo luật vào ngày 26-11.
Không để lãng phí trụ sở nhà nước
Về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ phải thống nhất nhận thức đây là việc hết sức quan trọng, quán triệt trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Phải tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính là để tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mục tiêu cuối cùng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Chủ tịch QH lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cần bảo đảm ổn định các hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn. Phải làm tốt công tác tư tưởng đối với những cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp. Đối với TP HCM, Hà Nội, công tác chuẩn bị trước và trong sắp xếp phải hết sức lưu ý, bảo đảm thực chất, phù hợp, hiệu quả, tạo sự phấn khởi, ổn định chung.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu không được để lãng phí trụ sở cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính. Trong giai đoạn sắp xếp, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.