Hà Nội: Tình hình y tế 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội gửi UBND thành phố, tình hình y tế của Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có những tiến triển đáng kể trên nhiều mặt.

Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Ảnh: PV

Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Ảnh: PV

Cụ thể, trong 9 tháng qua, Hà Nội ghi nhận 3.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023 (15.354 ca) và không có trường hợp tử vong. Mặc dù các bệnh như tay chân miệng, sởi, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản có số ca mắc tăng nhẹ, nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ và không có ca tử vong.

Hệ thống giám sát và phát hiện bệnh truyền nhiễm được duy trì hiệu quả thông qua việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội. Các biện pháp như điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc được thực hiện kịp thời. Đặc biệt, hoạt động giám sát sức khỏe hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài được duy trì thường xuyên.

Chương trình tiêm chủng mở rộng đã quản lý được 73.658 trẻ (70,9%) dự kiến sinh năm 2024 trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Các loại vắc-xin được cung ứng đầy đủ và kịp thời.

Về công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội hiện có 14.861 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Từ đầu năm đến nay, phát hiện 280 trường hợp nhiễm mới, chủ yếu là nam giới (84,3%), tập trung trong nhóm tuổi 25-49 (58,6%) và 15-24 (22,1%). 72,5% người nhiễm HIV còn sống được quản lý, tăng 1,9% so với năm 2023. Số người được duy trì điều trị ARV là 13.480, đạt 90,7%. Đáng chú ý, 99,2% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế.

Ngành y tế đã triển khai nhiều mô hình can thiệp nhằm phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em tại các trường tiểu học. Qua khảo sát, đã phát hiện 1.460 trẻ thừa cân, béo phì và đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp.

Kết quả đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,6%, thể thấp còi là 9,8%, đạt chỉ tiêu thành phố giao.

Về công tác dân số, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số năm 2024 tại 29/30 quận, huyện và 459/579 xã, phường. Các chỉ tiêu về công tác dân số như: tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 75,65%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 4 bệnh phổ biến đạt 84,64%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh phổ biến đạt 82%; số người áp dụng các biện pháp tránh thai là 429.873 người.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được duy trì tại 100% xã, phường, thị trấn và 60 tuyến phố văn minh. Nhiều mô hình về ATTP được triển khai và nhân rộng, như: mô hình Kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người ở 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã; mô hình Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học ở 20 bếp ăn tại 10 quận, huyện! ô hình Kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học ở 324 trường tại 15 quận, huyện, thị xã

Ngoài ra, thành phố cũng triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học tại quận Hoàn Kiếm.

Công tác kiểm tra, giám sát ATTP được thực hiện thường xuyên, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho trường học.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh; thực hiện mục tiêu 90-90-98 trong phòng chống HIV/AIDS; tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; đảm bảo tốt công tác dân số và an toàn thực phẩm.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tinh-hinh-y-te-9-thang-dau-nam-2024-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-396827.html