Hà Nội tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng nhờ số hóa thủ tục công tác Đảng
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Ngày 9-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cơ quan đảng, đoàn thể thành phố (Ban Chỉ đạo 204), đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm
Theo báo cáo, từ đầu năm 2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã có những bước đi quyết liệt nhằm hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số trong công tác Đảng. Ngay trong quý I-2025, Ban Chỉ đạo 204 đã tổ chức phiên họp đầu tiên, thông qua quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng và đoàn thể.
Một trong những kết quả đáng chú ý là việc Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tích hợp và triển khai đồng loạt bốn thủ tục hành chính Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bốn thủ tục bao gồm: thu, nộp đảng phí; lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú đối với đảng viên; chuyển sinh hoạt Đảng chính thức và chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời.
Việc thực hiện thủ tục trên môi trường số không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao tính minh bạch. Ước tính riêng thủ tục lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú giúp Hà Nội tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CTV
Tháng 6-2025, các tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy đủ điều kiện đã chính thức triển khai thí điểm những thủ tục trên nền tảng số. Kết quả bước đầu cho thấy sự hưởng ứng tích cực của các cấp ủy và đảng viên.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính Đảng, Thành ủy Hà Nội cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng số. Hệ thống hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến các quận, huyện, xã, phường hoạt động ổn định; hai trung tâm dữ liệu luôn vận hành liên tục, bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.
Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến, trang bị thiết bị cho các đơn vị mới chia tách, sáp nhập; đồng thời xây dựng phương án lắp đặt hệ thống giám sát an ninh mạng. Một bước tiến quan trọng là việc ban hành Quyết định số 8258, phê duyệt danh mục các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung ba cấp: Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là cơ sở để thống nhất nền tảng, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả điều hành.
Tính đến tháng 6-2025, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Đảng bộ thành phố đã có hơn 2.100 đơn vị với gần 4.700 tài khoản sử dụng, xử lý hàng chục nghìn văn bản đi - đến và hơn 2.800 chữ ký số. Tổng chiều dài tài liệu lưu trữ Đảng đã số hóa đạt hơn 1.450 mét trong tổng số 23.600 mét tài liệu.
Hà Nội sẽ sử dụng một nền tảng chuyển đổi số chung
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Hà Nội Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận những nỗ lực bước đầu trong chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ ra rằng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của Thủ đô.
“Hiện nay, 126 xã, phường trên địa bàn thành phố đã chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết, nếu không sẽ làm chậm quá trình hiện đại hóa chính quyền của thành phố” – ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông, để tạo chuyển biến thực chất, từng đơn vị cần trung thực đánh giá, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu trong triển khai chuyển đổi số. Hà Nội cũng cần xác định vị trí chính xác của mình trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp.

Phó Bí thư Thường trực Hà Nội Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
“Phải thống nhất quan điểm: Chỉ sử dụng một nền tảng chuyển đổi số chung, không xây dựng phần mềm riêng lẻ” – ông Phong nói và giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tích hợp các phần mềm điều hành của thành phố vào hệ thống quốc gia.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu rà soát và xây dựng lại chương trình công tác 6 tháng cuối năm theo hướng khoa học, khả thi hơn; Công tác số hóa và lưu trữ tài liệu Đảng cũng phải được xem là nhiệm vụ bắt buộc, đặc biệt tại các đơn vị mới. Đồng thời, ông cũng đề nghị thành lập nhóm chuyên gia, cơ cấu lại tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo hướng tinh gọn, linh hoạt.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tăng cường chuyển đổi số trong nội bộ, song song với đào tạo, hỗ trợ cơ sở và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hệ thống hội nghị trực tuyến, hiện đại hóa phòng họp, trang bị thiết bị cho cán bộ cấp cơ sở.
Theo ông, người đứng đầu đơn vị phải là hạt nhân chuyển đổi số. Họ cần đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức, tư duy và hành động của cán bộ, công chức trong cơ quan. “Không có sự thay đổi từ người đứng đầu thì không thể có chuyển đổi số thực chất”, ông Phong nói.