Hà Nội: hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho các hộ dân

Ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội cho biết, để đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống cho các hộ dân sau khi ngừng chăn nuôi tại vùng cấm, TP Hà Nội đã xây dựng phương án hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho các hộ dân.

Toàn TP Hà Nội có gần 2.600 hộ chăn nuôi tại các phường, thị trấn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Ảnh: T. Tâm

Toàn TP Hà Nội có gần 2.600 hộ chăn nuôi tại các phường, thị trấn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Ảnh: T. Tâm

Theo số liệu thống kê của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, tại thời điểm tháng 3/2020, toàn TP Hà Nội có khoảng 206.800 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, chăn nuôi ở các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn thuộc 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì): Tổng số hộ chăn nuôi là gần 2.600 hộ, với hơn 204.100 con gia súc, gia cầm.

Theo quy định tại Điều 61 Luật Chăn nuôi 2018, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm các khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu vực xung quanh các cơ sở y tế, trường học, cơ sở văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh; khu vực xung quanh các nguồn nước, ao hồ, sông suối, kênh rạch, mương máng; khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; các khu vực khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ theo Luật Chăn nuôi, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc ban hành Nghị quyết quy định vùng không được phép chăn nuôi (Nghị quyết 02/2020/NQ HĐND ngày 7/7/2020 cùa HĐND Thành phố). Theo đó có 4 vùng quy định không được phép chăn nuôi đó là các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, qua tuyên truyền đã có hơn 2.100/2.600 hộ thực hiện ngừng chăn nuôi tại các phường, thị trấn.

Chấp hành Luật Chăn nuôi, Chị Nguyễn Thị Hiền (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) chia sẻ, được các cấp, chính quyền tuyên truyền việc chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực nhưng vì cuộc sống mưu sinh, không có cơ hội chuyển đổi nghề nên trước đây gia đình vẫn phải chăn nuôi lợn. Nay biết tin nếu gia đình chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ vay vốn, nên gia đình sẽ dừng hẳn việc chăn nuôi lợn.

Theo UBND quận Tây Hồ, trên địa bàn quận trước khi triển khai Nghị quyết 02 của HĐND TP Hà Nội thì có 49 hộ, với hơn 1.000 con gia súc, gia cầm chăn nuôi chủ yếu ở vùng bãi ven sông Hồng. Qua tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia các phiên giao dịch việc làm tìm nghề cho người lao động, đến nay, đã có 16 hộ chuyển đổi sang các ngành nghề khác, thực hiện việc dừng chăn nuôi trong khu dân cư theo yêu cầu của quận Tây Hồ.

Ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của Sở NN&PTNT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, hiện trạng chăn nuôi tại nhiều địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc xây dựng vùng cấm chăn nuôi tại các phường, thị trấn theo quy định của Luật Chăn nuôi là điều cần phải làm để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Để đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống cho các hộ dân, TP Hà Nội đã xây dựng phương án hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho các hộ dân.

“Tính đến nay, có 5 địa phương không còn hoạt động chăn nuôi gồm: 4 phường của thị xã Sơn Tây; 2 thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì)” – ông Nguyễn Đình Đảng thông tin.

Theo ông Vũ Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, đến thời điểm hiện tại, quận Long Biên đã hỗ trợ cho 75 hộ vay vốn để chuyển đổi nghề, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ để kinh doanh, dịch vụ, gia công cơ khí, bán hàng ăn uống, trồng cây. Đồng thời, hỗ trợ 4 hộ địa điểm kinh doanh tại chợ.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-ho-tro-vay-von-tao-viec-lam-chuyen-doi-nghe-nghiep-phu-hop-cho-cac-ho-dan-386676.html