Hà Nội dự kiến phân vùng phát thải để hạn chế phương tiện
Trong kỳ họp vào tháng 12 tới đây, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ trình HĐND TP thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp. Nếu được thông qua, dự kiến thành phố sẽ triển khai thí điểm phân vùng phát thải thấp ngay trong năm 2025 với khu vực hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ.
Dự kiến chia 5 nhóm vùng
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến công khai về Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Nghị quyết này được xây dựng để cụ thể hóa quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; các biện pháp được áp dụng trong vùng phát thải thấp theo lộ trình phù hợp. Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thành phố sớm hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo dự thảo, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Thành phố dự kiến chia 5 nhóm vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.
Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.
Thứ hai là khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông. Thứ ba là khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.
Thứ tư là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện (có giải pháp giám sát, xử lý vi phạm về phát thải, chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo giao thông thông suốt).
Cuối cùng là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ người dân đồng thuận đạt từ 51% trở lên.
Giải pháp cơ học và kinh tế
Những khu vực được xác định vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Cụ thể:
Về giải pháp giao thông: Sẽ tổ chức, triển khai các biện pháp tăng cường giao thông phát thải thấp phù hợp với Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của thành phố đã được ban hành. Ví dụ như áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đối với các phương tiện cơ giới lưu thông trong vùng phát thải thấp, định kỳ đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ban hành quy định và lộ trình áp dụng đối với từng nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo mục tiêu chuyên dùng, trọng tải, động cơ, nhiên liệu sử dụng, mức phát thải, chất ô nhiễm phát sinh, năm sản xuất…) khi lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực nhất định, hoặc áp dụng hạn chế hoàn toàn, phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Cải thiện hạ tầng và tăng cường các hình thức giao thông phát thải thấp, gồm làn đường xe đạp, đi bộ, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch; phát triển hệ thống trạm sạc, trạm đổi pin cho xe điện; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình chia sẻ xe đạp, xe trợ điện, xe điện cho nhu cầu đi lại, giao hàng, vận tải, tham quan… Rà soát, xác định các tuyến phố, khu vực đủ điều kiện để triển khai, phát triển không gian công cộng gắn với các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội, khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch… Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.
Về kinh tế: Thành phố sẽ đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, monorail, xe buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP). Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.
Sáu tiêu chí để xác định vùng hạn chế phát thải
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 6 tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020 - 2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và Thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Thứ hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông theo mức phục vụ của đường từ D đến F. Theo tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị, mức phục vụ (LOS) là thước đo về chất lượng vận hành của dòng giao thông mà người điều khiển phương tiện và hành khách nhận biết được. Mức phục vụ được chia làm 6, theo thứ tự từ cao xuống thấp, được ký hiệu là A, B, C, D, E, F. Mức A là phương tiện giao thông lưu thông tốt, mức B có lượng xe lưu thông trên đường cao hơn, mức E phương tiện bắt đầu ùn ứ và mức F là tắc đường.
Ngoài ra, các khu vực có chất lượng không khí kém, đặc biệt là những nơi không đạt chuẩn quốc gia trong ít nhất 1 năm hoặc nơi có thể áp dụng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và có sự đồng thuận cao từ người dân cũng sẽ được đưa vào danh sách. Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Theo Luật Thủ đô, các khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế giao thông phù hợp. Việc lựa chọn và thực hiện biện pháp này sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và đặc điểm riêng của mỗi khu vực. Trước mắt, Hà Nội khuyến cáo các quận huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế, có thu phí đối với phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng LEZ sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng.
Thí điểm ở khu vực hồ Gươm
Dự thảo nghị quyết đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện vùng LEZ. Theo đó giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận, huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng LEZ ở Khu vực hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ, với tổng diện tích hơn 145ha.
Vùng LEZ áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45 - 50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, thành phố khuyến khích các quận, huyện xác lập vùng LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng LEZ.
Mục tiêu chính của xây dựng vùng LEZ là hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, Sở TN-MT Hà Nội cũng cho rằng, việc áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn do hiện chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải áp dụng cho môtô, xe máy đang lưu hành. Hà Nội cũng chưa có mạng lưới cơ sở kiểm tra khí thải đối với phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại thành phố chưa đầy đủ. Thành phố chưa có số liệu kiểm kê phát thải cập nhật và thường kỳ, đặc biệt từ nguồn khí thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách. Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng LEZ trên địa bàn Hà Nội dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 và có hiệu lực từ 1-1-2025.
Theo thống kê của Sở GTVT, đến hết tháng 4, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm. Sở TN-MT đánh giá, các phương tiện đã lưu hành nhiều năm mà không được kiểm soát về khí thải sẽ làm gia tăng mức phát thải thành phần gây ô nhiễm không khí. Đặc biệt, vào những khung giờ cao điểm hay các khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao và thường ùn tắc, khí thải từ phương tiện sẽ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phơi nhiễm với ô nhiễm.
Hệ lụy lớn từ ùn tắc và ô nhiễm không khí
Nghị quyết đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân Thủ đô. Trong đó có lo ngại việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân còn quá sớm khi mà hệ thống giao thông công cộng (GTCC) chưa đáp ứng tốt nhu cầu.
Anh Trần Thanh Tùng (ở KĐT Văn Khê, Hà Đông) cho hay, anh thường xuyên phải di chuyển trên tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương - Nguyễn Chí Thanh để đến nơi làm việc trên đường Liễu Giai. Cung đường này ngày nào cũng tắc vào giờ cao điểm, thậm chí nếu gặp mưa gió thì còn tắc cứng cả tiếng đồng hồ. “Tôi rất muốn chuyển sang phương tiện GTCC để đi làm, nhưng thực sự còn chưa tiện dụng, chưa kể thời gian cho mỗi chuyến đi bằng xe buýt trong giờ cao điểm quá lâu, không đáp ứng được đúng giờ làm việc” - anh Tùng bày tỏ.
Cũng theo anh Tùng, không khí trên địa bàn Hà Nội ngày một ô nhiễm, nhất là vào những ngày nắng hanh, bầu không khí lúc nào cũng đặc quánh khói bụi, ngột ngạt ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. “Tôi rất ủng hộ việc thành phố phân vùng phát thải để hạn chế phương tiện, nhưng cùng với đó cũng mong đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện GTCC để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, ví dụ như đường sắt đô thị” - anh Tùng kiến nghị.
Chị Trương Thị Thanh Huyền (phường Việt Hưng, quận Long Biên) bày tỏ: “Ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã ở mức báo động rất cao. Việc hạn chế xe cơ giới tại một số khu vực là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đi lại cho người dân chúng tôi. Không chỉ cần xe buýt, tàu điện mà còn cần có cả chỗ gửi xe, đỗ xe cho những người ở ngoại thành tại những đầu mối GTCC. Lý do là vì đường sá ở Hà Nội hiện tại không thuận lợi cho người đi bộ, nhất là đi bộ một quãng đường khá xa”.
Việc thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chắc chắn ban đầu khó tránh khỏi những phản ứng trái chiều, đòi hỏi Hà Nội phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng với những giải pháp ứng phó phù hợp, trên hết là quyết tâm chính trị cao nhất từ chính quyền cho đến nhân dân Thủ đô. Ông Trần Tuấn Anh - chuyên gia về Quản lý đô thị nhận định, hạ tầng Hà Nội đang quá tải trầm trọng và ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện cá nhân quá lớn, đặc biệt là xe máy với khoảng 8 triệu xe và không được kiểm soát về khí thải.
“Nếu không hành động quyết liệt, thành phố sẽ phải trả giá rất đắt với những hệ lụy ngày càng phức tạp như ùn tắc giao thông, thiệt hại kinh tế… trong đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất” - ông Trần Tuấn Anh nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân phải được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân. Hà Nội cần xác lập các tiêu chí cụ thể, hài hòa quyền lợi của cả cộng đồng như: Tỷ lệ GTCC phải đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại, xe máy phát thải mức nào phải bị cấm, mức nào phải nộp phí lưu thông…
Cần bước đệm khi thay đổi chính sách
Hiện không ít người dân sử dụng xe máy, ô tô cá nhân chỉ để đi một hành trình từ nhà tới cơ quan, trường học hàng ngày. Với nhóm này, biện pháp cưỡng chế cấm xe cơ giới hoặc thu phí vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm sẽ khiến người dân xem xét lại thói quen đi lại của mình, hướng tới GTCC nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có một bước đệm trong thay đổi chính sách. Một thời gian trước khi hạn chế xe cơ giới cá nhân bằng mệnh lệnh hành chính, cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân vừa hạn chế sử dụng xe riêng, vừa chuyển đổi xe cơ giới sang sử dụng nhiên liệu sạch. Với những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp, mạng lưới GTCC cần được tối ưu về hạ tầng, lộ trình vận chuyển. Nhất là xe buýt phải có hành lang tiếp cận dễ dàng, thông thoáng, xây dựng thêm nhiều nhà chờ che mưa nắng, duy trì ưu đãi giá vé và đặc biệt phải có không gian cho người đi bộ tiếp cận GTCC.
Vùng LEZ có thể áp dụng mức giá trông giữ phương tiện riêng, cao hơn hẳn các khu vực khác, cấm hoặc thu phí xe cá nhân ra vào, coi biện pháp kinh tế này như một trong những chế tài chủ yếu. Bên cạnh đó cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với việc kiểm định khí thải xe máy. Những xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn không cho lưu thông hoặc hỗ trợ tiền để người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, xe đạp điện.
Thạc sĩ Trần Tuấn Anh - chuyên gia về quản lý đô thị: Nếu không hành động quyết liệt, Hà Nội sẽ phải trả giá rất đắt
“Hà Nội đang quá tải trầm trọng và ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện cá nhân quá lớn, đặc biệt là xe máy với khoảng 8 triệu xe và không được kiểm soát về khí thải. Nếu không hành động quyết liệt, thành phố sẽ phải trả giá rất đắt với những hệ lụy ngày càng phức tạp như ùn tắc giao thông, thiệt hại kinh tế… trong đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung - chuyên gia về giao thông đô thị: Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ người sử dụng xe máy để mưu sinh
“Một trong những nhóm cư dân lo ngại nhất về việc hạn chế xe máy là những người sử dụng thường xuyên hàng ngày để đi lại, kinh doanh, chở hàng thuê… Với nhóm này, thành phố có thể nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để họ chuyển đổi sang xe máy điện, hoặc cho phép xe đăng ký vận chuyển có nộp phí để ra vào khu vực hạn chế”.