Hà Nội có nên xây dựng đường bộ đi ngầm?

Trong khi mật độ phương tiện gia tăng từng giờ, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng eo hẹp, mỗi công trình, dự án mới trên mặt đất đều phải trả giá rất đắt bằng tiền và những tác động xã hội, Hà Nội lại chưa thể khai thác hiệu quả không gian ngầm.

Nếu tiếp tục bỏ ngỏ không gian ngầm TP sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong phát triển mạng lưới giao thông đô thị.

Manh mún, nhỏ lẻ

năm qua, các chuyên gia đã nói rất nhiều đến khoảng trống không gian ngầm trong hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội. Do tốc độ gia tăng dân số cũng như phương tiện cá nhân quá nhanh, trong khi quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông vốn rất eo hẹp, Hà Nội luôn phải đối diện với nguy cơ ùn tắc, thiếu chỗ đỗ xe.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông của TP mới chỉ đạt khoảng 12%, mục tiêu là từ 20 - 25%; giao thông tĩnh cần 3 - 4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%. Dù đã nỗ lực rất lớn, mở rộng, nâng cấp rất nhiều tuyến đường, nhưng bất kể rộng đến đâu đường cũng sớm ùn tắc.

Bên cạnh đó một hệ lụy vô cùng phức tạp là diện tích mặt đất ngày càng bị bó hẹp, không còn đáp ứng đủ nhu cầu mở đường, làm bãi đỗ xe, xây dựng đường sắt đô thị… Cư dân đô thị càng đông, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường càng lớn, khó khăn trong thi công xây dựng càng nhiều.
Đơn cử như dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã phải án binh bất động hàng chục năm do vướng mắc GPMB. Hay mới đây nhất là dự án mở rộng Vành đai 2 cả trên cao lẫn dưới thấp đoạn đi trùng với đường Láng, theo tính toán sơ bộ phải mất đến gần 17.000 tỷ đồng để GPMB.

Hầm đường bộ Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Ảnh: Phạm Hùng

Hầm đường bộ Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Ảnh: Phạm Hùng

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Đầu tư hạ tầng trên mặt đất khu vực trung tâm TP như hiện nay không thể tránh khỏi chi phí GPMB siêu tốn kém. Đã đến lúc TP cần xem xét lại các phương án, hướng đến khai thác không gian ngầm để giảm thiểu chi phí và khó khăn phát sinh trong đầu tư hạ tầng giao thông”.

Những năm qua, Hà Nội bắt đầu tận dụng không gian ngầm để xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng thành quả còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Một số hầm chui ngắn như: Thanh Xuân, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, hay hầm đi bộ qua tuyến Phạm Hùng, Nguyễn Trãi… là những công trình ngầm hoàn thiện đầu tiên của TP. Chúng chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ, có tác dụng hỗ trợ cho một tuyến đường, thậm chí các hầm đi bộ còn bị bỏ không, thiếu hiệu quả.

Năm 2022, Hà Nội đã lập quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện. Trong đó bao gồm rất nhiều hạng mục như: đường sắt đô thị, bãi đỗ xe… nhưng lại chưa chú trọng vào không gian ngầm dành cho đường bộ.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định: “Hiện xung quanh các tuyến đường đô thị có mật độ công trình rất cao. Nếu GPMB sẽ rất đắt đỏ, mà chưa chắc mở rộng đường rồi hiệu quả được như mong muốn. Vì vậy cần có sự tính toán kỹ lưỡng, xem xét khả năng tận dụng nguồn lực sẵn có để đầu tư cho các mô hình giao thông khác, chẳng hạn như giao thông đường bộ đi ngầm”.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình khi cho rằng, dù chi phí xây dựng hầm đường bộ có thể lớn hơn đường trên mặt đất và cả đường trên cao nhưng bù lại không phải GPMB, còn nhiều dư địa để mở rộng, quy hoạch sắp xếp bài bản ngay từ đầu.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm -TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2022 là chưa đủ. Cần phải bổ sung nội dung phát triển đường bộ đi ngầm làm tiền đề, cơ sở pháp lý nếu muốn tập trung phát triển loại hình này.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng nói: “Ví dụ như dự án mở rộng đường Láng, nếu làm đường trên cao, mở rộng đường dưới thấp như dự kiến sẽ mất khoảng 21.000 tỷ đồng. Nhưng nếu làm đường bộ đi ngầm có thể tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí, cùng với đó sẽ ít tác động đến đời sống người dân hơn”.

Lập quy hoạch riêng
Ủng hộ việc tận dụng không gian ngầm vào phát triển hạ tầng giao thông nhưng ông Lê Trung Hiếu cho rằng, phải nghiên cứu thật kỹ tính khả thi của các tuyến đường bộ đi ngầm, có đánh giá cụ thể về mặt vận lượng cũng như chi phí xây dựng.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa vào các điều khoản liên quan đến quy hoạch và quản lý không gian ngầm. Trong đó nêu rõ không gian ngầm là nguồn tài nguyên cần phải được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất. Cần mở rộng không gian phát triển mới bằng cách sử dụng hiệu quả nhất, khoa học nhất không gian ngầm cho các dự án giao thông đô thị bao gồm cả: đường bộ, đường sắt, bãi đỗ xe...

“Trước đây chúng ta chưa quan tâm nhiều đến không gian ngầm và nay thì đã có một hành lang pháp lý đủ mạnh, có tính khả thi cao. Vì vậy, đây là lúc cần bắt tay vào nghiên cứu, khai thác hiệu quả nhất quỹ đất còn rất dồi dào của không gian ngầm” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, ở các đô thị lớn trên thế giới họ đã tận dụng rất tốt không gian ngầm cho cả giao thông tĩnh lẫn giao thông động. Không chỉ có tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, còn có đường bộ đi ngầm, đường hầm vượt sông, vượt núi… Ngay cả ở Việt Nam đã có nhiều công trình đường bộ ngầm được xây dựng và khai thác rất hiệu quả.

“Về mặt kỹ thuật việc xây dựng các tuyến đường bộ đi ngầm là hoàn toàn có thể. Vấn đề chỉ là chúng ta chưa thực sự lập một quy hoạch chi tiết cho nó, chưa chú trọng đến việc khai phá không gian ngầm cho đường bộ”. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nói.

Phát triển hạ tầng giao thông phải đồng bộ, hiện đại, dễ tiếp cận để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; đảm bảo hợp lý và khả thi, chú trọng đến yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Với các đô thị lớn cần chú trọng khai thác không gian ngầm, giao thông liên vùng, khép kín các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, thông suốt hệ thống đường nội bộ, đường sắt đô thị…
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm này và cho rằng, Hà Nội mới tính toán sử dụng không gian ngầm cho hai loại hình chính là đường sắt đô thị và giao thông tĩnh. Trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông ngày càng eo hẹp, chi phí GPMB tăng cấp số nhân qua từng năm như hiện nay, TP cần phải hướng tới khai thác không gian ngầm, coi đó là một trong những hướng đi chính, mở ra lối thoát cho giao thông Thủ đô.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, không gian ngầm có thể khai thác sâu thành nhiều tầng cũng như trên mặt đất, tầng dành cho đi bộ, đường sắt, đường xe cơ giới riêng… tiềm năng là rất lớn.

“Giả sử như với dự án Vành đai 2, thay vì mở rộng trên mặt đất, nghiên cứu làm đường ngầm từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy sẽ tránh được GPMB, tiết kiệm chi phí rất lớn. Tuy nhiên chúng ta lại vướng quy hoạch khu vực này là đường trên mặt đất và đường trên cao” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Theo chuyên gia này, rất nhiều tuyến đường, khu vực trong nội thành Hà Nội có thể nghiên cứu làm đường bộ đi ngầm, nhưng trước hết TP phải có một quy hoạch riêng cho đường bộ đi ngầm đồng bộ với các quy hoạch của Thủ đô. Quy hoạch cũng giống như bản hướng dẫn đặt từng mảnh ghép vào đâu cho phù hợp, ăn khớp trong một tổng thể chung. Thiếu quy hoạch không thể khai phá tiềm năng rất lớn của không gian ngầm cho giao thông, nhất là đường bộ.

Ý tưởng xây dựng đường bộ đi ngầm rất đáng quan tâm, nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội cần mở rộng quỹ đất cho giao thông như hiện nay. Khu vực trung tâm TP đã hình thành các “mảng đặc”, người dân sinh sống từ lâu, giá đất đắt đỏ. GPMB để làm đường sẽ vô cùng tốn kém, ngoài ra còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, dự án dễ lâm vào bế tắc do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Làm đường bộ đi ngầm có thể tiết kiệm chi phí đồng thời giảm thiểu rủi ro cho dự án.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-co-nen-xay-dung-duong-bo-di-ngam.html