Hà Nội cơ bản đáp ứng được sản phẩm thịt, trứng gia cầm
Hiện nay, Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, về khả năng tự sản xuất và cung ứng các sản phẩm chăn nuôi, hiện nay, Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Riêng thịt trâu bò, Hà Nội chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 18,6%, thịt lợn khoảng 71%. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phải nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi còn thiếu từ các tỉnh thành phố khác và một phần nhập khẩu nước ngoài.
Hiện nay, Hà Nội đang có trên 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế tham quan, làm việc do vậy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của thành phố là rất lớn. Thời gian tới, một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận diện tích chăn nuôi sẽ thu hẹp lại.
Theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định "quận" phải đảm bảo 27 tiêu chí như: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; Diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định…
Ngoài ra, để có thể được chuyển từ huyện lên quận, các địa phương phải đạt các tiêu chí về kinh tế - xã hội. Cụ thể, cân đối thu chi ngân sách phải dư; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất phải đạt bình quân của thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 95% trở lên.
Theo lộ trình, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã trở thành phường, theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố thì các phường của các quận thuộc thành phố không được phép chăn nuôi. Xác định khi lên quận thì chăn nuôi chưa thể hết được mà sẽ từng bước giảm dần.
Do vậy, UBND huyện Gia Lâm đã chủ động chỉ đạo các xã giảm dần tổng đàn và chuyển dần những trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư đảm bảo quy định.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, để thực hiện quy định các phường của các quận thuộc thành phố không được phép chăn nuôi trên thực tế rất khó do năm 2023 chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định; trong đó, 4 xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, các xã Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của các hộ ở đây nên việc dừng ngay chăn nuôi là rất khó khăn.
Cụ thể, tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm muốn chuyển sang nông nghiệp theo hướng quy hoạch mô hình kinh tế tuần hoàn, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Xã muốn chuyển chăn nuôi ra khu vực xa dân cư với quy mô theo hộ với diện tích 1.000m2. Tuy nhiên, khó khăn đối với các hộ ở đây là do liên quan đến Luật Đê điều, Văn Đức có đất hoàn toàn ngoài vùng bãi nên không thực hiện được mô hình kinh tế tuần hoàn này.
UBND huyện Gia Lâm đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho trang trại, cơ sở chăn nuôi tồn tại và từng bước giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư. Đối với những trang trại, cơ sở chăn nuôi này phải có chính sách, cơ chế rõ ràng để khuyến khích các hộ chuyển đổi khi lên quận để họ có nguồn thu nhập đảm bảo an sinh.
Đồng thời, có cơ chế chính sách đặc thù cho vùng sản xuất nông nghiệp nằm ở ngoài bãi sông, trong không gian thoát lũ để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và các công trình phục vụ chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư đảm bảo theo quy định tại Thông tư 23/2019/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-co-ban-dap-ung-duoc-san-pham-thit-trung-gia-cam/286961.html