Hà Nội: bảo vệ rừng 24/24 giờ trong mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng năm 2025 dự báo sẽ kéo dài và gay gắt, do đó, công tác phòng, chống cháy rừng được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xác định là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Chủ động phòng ngừa, phản ứng kịp thời

Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội triển khai các phương án để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Cụ thể, Chi cục thực hiện rà soát lại tất cả phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng tại các khu vực trọng điểm, như: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức và ở những khu rừng giáp ranh với các tỉnh: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên để chủ động phối hợp xử lý sự cố cháy rừng. Chi cục cũng chỉ đạo các hạt kiểm lâm giám sát và kiểm tra liên tục tình hình thời tiết, cũng như sự thay đổi của các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cháy.

Hiện nay, Hà Nội có 18.520ha rừng, trong đó có hơn 7.593ha là rừng tự nhiên. Ảnh: Đức Duy

Hiện nay, Hà Nội có 18.520ha rừng, trong đó có hơn 7.593ha là rừng tự nhiên. Ảnh: Đức Duy

Ngoài ra, Chi cục còn yêu cầu 100% chủ rừng và UBND cấp xã ban hành phương án quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng; sẵn sàng huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết, triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã và đang phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp tuyên truyền về nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Các buổi tuyên truyền được tổ chức trực tiếp ngay tại các khu dân cư, trường học, nhất là những khu vực giáp ranh với khu rừng trọng điểm ở huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức và những địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao. Mục tiêu là nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ rừng, không đốt nương rẫy, không xử lý thực bì bằng lửa trong mùa nắng nóng.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, Chi cục duy trì hiệu quả hệ thống quan sát qua hệ thống camera theo dõi cảnh báo sớm cháy rừng thông minh trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đồng thời, các hạt kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng thường xuyên theo dõi cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn để kịp thời xử lý, ngăn chặn các vụ cháy rừng xảy ra.

Đặc biệt, các khu vực có dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo các trạm kiểm lâm và chốt bảo vệ rừng hoạt động 24/24 giờ trong mùa nắng nóng. Các trạm này có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn xảy ra.

Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ rừng

Trong những năm qua, cháy rừng thường xảy ra do hành vi bất cẩn của con người. Chẳng hạn như đốt nương rẫy, đốt ong, khách du lịch nấu ăn trong rừng hoặc không tuân thủ các quy định về PCCC. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương có rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về tác hại của việc đốt nương rẫy và các hành vi sử dụng lửa trong rừng.

Công tác tuyên truyền và giáo dục đồng về bảo vệ rừng được Hà Nội chú trọng triển khai. Ảnh: Ánh Ngọc

Công tác tuyên truyền và giáo dục đồng về bảo vệ rừng được Hà Nội chú trọng triển khai. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, chỉ cần một chút sơ ý của con người là có thể gây ra cháy rừng nghiêm trọng. Khi đó, không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không chỉ trong mùa nắng nóng, mà trong cả năm.

Việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người và mỗi hành động nhỏ, như không vứt tàn thuốc bừa bãi đều góp phần bảo vệ tài nguyên rừng quý giá. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, người dân tuyệt đối không đốt nương rẫy, xử lý thực bì bằng lửa và không thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây hại cho rừng. Nếu phát hiện dấu hiệu cháy hoặc các hành vi gây hại cho rừng, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

“Chúng tôi cũng khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn, các khóa học về phòng cháy, chữa cháy để ứng phó hiệu quả khi gặp sự cố cháy rừng. Chỉ khi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, chúng ta mới có thể giảm thiểu được nguy cơ cháy rừng và bảo vệ được những cánh rừng xanh mát, mang lại lợi ích lâu dài cho Thủ đô và mỗi người dân.” – ông Nguyễn Tiến Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Việc phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng sẽ giúp tăng cường công tác kiểm tra và giám sát hành vi vi phạm của người dân. Những người cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm răn đe và ngăn chặn hành vi gây cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; hoàn thành việc rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp. Chi cục cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác giao đất gắn với giao rừng; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa tại các huyện, thị xã có rừng.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-bao-ve-rung-24-24-gio-trong-mua-nang-nong.708991.html