Hà Giang: Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm
Sở Công Thương Hà Giang vừa tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên nền tảng số.
Chiều ngày 6/12, Sở Công Thương Hà Giang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức lớp tập huấn: Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên nền tảng số.
Tới dự khai mạc, có ông Võ Xuân Nam - Phụ trách đào tạo, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương; ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang; bà Lê Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công Thương Hà Giang; đại diện cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Triển khai Công văn số 1424/UBND-KTTH ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang về chủ trương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trọng tâm năm 2024 và các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang trên các sản thương mại điện tử và các nền tảng số.
Tại buổi tập huấn, chuyên gia đã khái quát và cung cấp thông tin cho đại biểu về các nội dung về thương mại điện tử Việt Nam, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trực tuyến; xu hướng thương mại điện tử mới trong thời đại công nghệ số; quy định mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (kê khai, quản lý thuế, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...) khi tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Thực tiễn phát triển của ngành thương mại điện tử thời gian qua đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong của ngành trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Tại Hà Giang, đến nay, đã có gần 400 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch được đưa niêm yết trên các sàn thương mại điện tử, với các gian hàng được tạo trên các sàn như: Lazada, Sendo, Tiktik shop, Vỏ sò… Để đảm bảo thông tin, bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương Hà Giang cũng đã thuê dịch vụ hỗ trợ (thuê server lưu trữ, quản trị, bảo mật, quản trị vận hành); duy trì Sàn Thương mại điện tử tỉnh Hà Giang. Đồng thời, nâng cấp và quảng cáo để tăng lượng truy cập website dacsanhagiang.net.
Thông qua buổi tập huấn, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng được quảng bá rộng rãi, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và phương tiện truyền thông số.
Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn cũng tập trung hướng dẫn một số kỹ năng thông qua hoạt động thực hành về: Sáng tạo nội dung đa kênh, cách thức triển khai tiếp thị liên kết để tiếp cận khách hàng trên nền tảng số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng nội dung, hình ảnh sản phẩm, thương hiệu. Cùng với đó, giới thiệu công cụ AI miễn phí hữu ích trong kinh doanh thương mại điện tử; mô hình bán lẻ đa kênh Omni-chanel, cơ hội và thách thức trong sự thay đổi nhận thức của người quản lý với áp dụng các giải pháp số để tăng trưởng doanh số bán hàng trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, các chuyên gia đã hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thiết lập, xây dựng, vận hành tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam; phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử Shopee và một số sàn thương mại điện tử nổi tiếng khác.
Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Thương mại điện tử là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, đây là lĩnh vực tiềm năng để giúp các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi từ các phương pháp bán hàng, quảng cáo truyền thống sang đa kênh trên nền tảng số có sức lan tỏa lớn. Đồng thời, giúp giảm chi phí bán hàng, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.