Hạ cấp song song, quan hệ NATO-Nga tệ nhất sau chiến tranh lạnh
Việc Nga vừa quyết định hạ cấp ngoại giao với NATO đã khiến quan hệ giữa họ xuống mức thấp nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh.
Các cuộc thảo luận cấp cao giữa NATO và Nga vốn diễn ra rất ít trong những năm gần đây, nhưng việc Điện Kremlin vừa thông báo buộc các quan chức quân sự NATO phải rời khỏi Moscow và đóng cửa Văn phòng Thông tin NATO (NIO) khiến đôi bên gần như đã đóng băng mối quan hệ.
Lần cuối cùng những chỉ huy hàng đầu của NATO và Nga gặp nhau là vào tháng 02/2020 - Ảnh: NATO
Robert Pszczel là nhà ngoại giao NATO gần nhất được cử đến thủ đô Nga và ông đã rời vị trí đó với tư cách là giám đốc NIO cách đây 5 năm. Điện Kremlin đã cắt hầu hết liên lạc với NIO vào thời điểm đó, nhưng Pszczel vẫn cảm thấy điều quan trọng là phải có mặt ở Moscow.
Hiện đang là thành viên cấp cao của Tổ chức Casimir Pulaski ở Ba Lan, Pszczel đã đồng ý với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về việc hai bên “thiếu các điều kiện cần thiết để tiến hành các hoạt động ngoại giao”.
Ông Lavrov cho rằng vấn đề có thể xuất phát từ “các bước đi có chủ ý của NATO” trong việc trục xuất 8 thành viên của phái đoàn Nga bị cáo buộc là điệp viên tình báo.
Song theo ông nguyên nhân sâu xa hơn là: “Có những diễn biến cực kỳ đáng lo ngại hầu như diễn ra hàng tuần, với việc Moscow ngày càng trở nên khiêu khích hơn. Quan hệ với NATO sẽ chỉ thay đổi nếu Nga thay đổi chính sách - nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Hợp tác giữa NATO và Nga thực tế đã bị cắt đứt vào năm 2014, sau khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine, vì vậy “hai bên chưa thực sự nói chuyện với nhau nhiều, chắc chắn không phải ở cấp độ làm việc” như cho biết của Jamie Shea, nguyên Phó trợ lý Tổng thư ký NATO.
Hiện vẫn chưa biết “đường dây nóng” giữa chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO, Tướng Tod Wolters và người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov, có bị cắt đứt hay không. Tuy nhiên, lần cuối cùng NATO báo cáo rằng họ nói chuyện là tháng 4 năm 2020.
Shea cho biết thêm, các đồng minh trong khối NATO đều có các tùy viên quân sự ở Moscow. Vì vậy “không phải là quyết định ngày hôm nay của Nga sẽ đóng băng hoàn toàn quan hệ ngoại giao với các nước NATO”.
Justyna Gotkowska, điều phối viên Chương trình An ninh Khu vực tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông có trụ sở tại Warsaw, nói với rằng Nga có thể cố gắng gửi một thông điệp chính trị rộng lớn hơn với quyết định của mình - không chỉ nhằm vào NATO, mà còn vào Đức - nơi các cuộc đàm phán đang diễn ra cho việc thành lập một chính phủ mới.
Bà Gotkowska đánh giá: “Với động thái này, Nga đang tính đến việc gây ảnh hưởng đến giới chính trị ở Đức và châu Âu vốn chỉ đối thoại với Nga để duy trì hòa bình ở khu vực”.
“Mục tiêu của Nga là muốn có những cuộc đối thoại sâu sắc hơn trên cả phương diện song phương với Đức và NATO”, bởi nước này đang phát triển Mô hình Chiến lược mới vào năm 2022. Tuy nhiên, bà nghi ngờ rằng tính toán này sẽ thành công.
Hoàng Huy (Theo DW)