Gương sáng 'cây cao bóng cả'
Hít đất - môn thể thao thường dành cho giới trẻ và những người khỏe mạnh, song đây lại là môn thể dục yêu thích của cụ bà Nguyễn Thị Kết, 102 tuổi ở huyện Phú Riềng. Nhờ luyện tập thường xuyên nên mấy chục năm qua, cụ Kết khỏe mạnh, không mắc bệnh gì nghiêm trọng.
102 tuổi vẫn tập thể dục
Sáng sớm, trong ngôi nhà dưới tán cao su mát mẻ ở thôn 6, xã Long Hà, cụ Kết dậy tập thể dục. Các bài tập đều do cụ tự nghĩ ra, tham khảo mọi người và bắt đầu tập luyện từ năm 1994 đến nay. Trong số các bài thể dục ấy không thể thiếu hít đất. Sau khi xoay tay trái, chuyển qua tay phải, cúi người, xoay hông… cụ chuyển sang hít đất. Cụ có thể hít đất được 20 cái một cách nhanh nhẹn, gương mặt không lộ rõ nét mệt hay thở dốc. Sợ mẹ mệt nên các con không dám cho cụ hít đất nhiều.
Mỗi ngày cụ Kết dành 2 tiếng đồng hồ để tập luyện, đều đặn hai buổi sáng, chiều không bỏ ngày nào. Ngoài ra, cụ còn ngồi thiền khoảng 30 phút vào mỗi buổi tập. Cụ Kết cho biết: Ngày nào không thể dục là khó chịu lắm. Thể dục giúp cơ thể thoải mái, không ốm đau nên tôi tập thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Hiền, 69 tuổi, con dâu cụ Kết vui vẻ chia sẻ, cụ Kết là người truyền cảm hứng tập luyện thể dục thể thao cho các con, cháu trong nhà. “Mẹ tôi thích tập thể dục lắm, ngày hai lần. Bà nói không tập thì đau mỏi, tập mới thuần người” - bà Hiền cho hay. Trong lúc mẹ chồng tập thể dục, người con dâu tóc cũng đã màu muối tiêu nhìn theo, vừa cổ vũ vừa có ý trông chừng không để cụ quá sức. Bao năm sức khỏe cụ Kết dẻo dai, ngoại trừ một lần bị sốt rét, còn lại cụ không phải uống viên thuốc trị bệnh nào.
Ăn uống, sinh hoạt điều độ
Ngoài chăm chỉ vận động rèn luyện sức khỏe, cụ Kết cũng giữ nếp sinh hoạt rất điều độ, khoa học. Mỗi ngày cụ ăn đủ 3 bữa, không ăn vặt, không ăn sau 19 giờ, chỉ uống nước đun sôi để nguội, 21 giờ là đi ngủ và thức dậy lúc 5 giờ sáng, buổi trưa ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ. Việc tắm rửa, sinh hoạt cá nhân hằng ngày, cụ Kết cũng tự làm, không cần con cháu phụ giúp. Theo ông Nguyễn Trọng Bảo, con trai cụ Kết, mẹ ông sống thọ đến giờ là do sinh hoạt điều độ, ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, tập thể dục đều đặn.
Con cháu không cho làm việc, nhưng ngồi buồn cụ vẫn trốn con, cháu ra vườn nhặt củi, rồi chăm sóc đàn gà, được làm việc như vậy là cụ thấy vui. Cụ Kết kể: “Tôi đang ở với vợ chồng con trai cả. Mọi năm còn làm vườn điều, mỗi ngày các con vào vườn, còn tôi ở nhà nấu cơm, cho gà ăn, phụ việc nhà; nay các con không cho làm vì sợ tôi té nhưng tôi vẫn trốn ra vườn nhặt củi... Sức khỏe của tôi bình thường, không ốm đau gì hết, cao huyết áp thì lúc nào cũng phải uống thuốc, còn thuốc bệnh thì không có; đau đầu gối, tê chân nhưng tôi chỉ tập thể dục là khỏi”.
Cụ Kết ít khi ngồi một chỗ, lâu lâu lại căn dặn con cháu những việc trong nhà. Cụ còn hay hát và đọc được nhiều bài thơ dài. Cụ luôn giữ tinh thần vui vẻ. Ông Bảo cho hay: “Mẹ khỏe mạnh, anh em tôi mừng lắm. Mẹ có 8 người con thì cả 8 đều còn hết, mẹ thì mạnh khỏe. Giờ mẹ cũng mãn nguyện rồi, đi ra Bắc mẹ thích đi ôtô để ngắm cảnh. Con dâu đi thì say xe, còn mẹ tôi thì không. Tết Nguyên đán vừa rồi, em trai tôi đưa mẹ đi Bình Long vãng cảnh chùa, đi biển Cần Giờ, rồi lên cả tòa nhà 81 tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh tham quan…”.
Gia đình tứ đại đồng đường
Một trong những điều khiến ai cũng nể phục chính là trí nhớ rất tốt của cụ Kết. Ngồi kể chuyện cũ, cụ Kết cho biết, cụ và gia đình từ tỉnh Hà Tây (cũ) vào Bình Phước lập nghiệp năm 1978. Ngày đó, Long Hà còn nhiều khó khăn. Trên vùng đất hoang vu, vợ chồng cụ dựng nhà, trồng lúa, làm đủ mọi việc để nuôi 8 người con. “Được mấy năm, chồng tôi bệnh rồi mất, một mình tôi gồng gánh nuôi các con. Rất may các con ngoan, hiểu chuyện và hiếu thảo, chú tâm làm việc, học hành. Đến nay gia đình tôi cũng không giàu có gì, nhưng đủ ăn và rất vui vẻ, êm ấm” - cụ Kết xúc động.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Kết vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, đi lại nhanh nhẹn, nói năng rõ ràng, đầu óc minh mẫn, vẫn ngồi xe máy đi mấy chục cây số. Cụ vẫn nhớ từng kỷ niệm, từng câu chuyện, từng mốc thời gian trong cuộc đời và nhớ tên, nhớ mặt của 81 người con, cháu, chắt. Các con ở đâu, làm công việc gì, cụ có thể kể vanh vách. Ông Bảo chia sẻ: “Mẹ tôi vẫn hình dung rõ các món sính lễ trong đám cưới từng đứa con, cũng như tên những đứa cháu hoặc những ai mẹ đã tiếp xúc. Trong nhà có chuyện gì lớn, nhỏ mẹ đều không quên”. Theo ông Bảo, con cháu cũng đang học hỏi cụ Kết về lối sống điều độ, ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, không ăn vặt…
Trong nhà có người sống thọ là hồng phúc của gia đình. Các con, cháu của cụ Kết luôn yêu thương, cùng nhau chăm sóc thật tốt, mong cụ sống thật lâu, khỏe mạnh bên con, cháu. Gia đình tứ đại đồng đường, trên dưới hòa thuận, nền nếp khiến chòm xóm đều nể trọng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/156237/guong-sang-cay-cao-bong-ca