GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Người cao tuổi vẫn có ích cho gia đình và xã hội
LTS: Việt Nam đang đối mặt với xu hướng lão hóa dân số trong một xã hội truyền thống đã có rất nhiều thay đổi. Đáng chú ý, tốc độ lão hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Đối với người cao tuổi, sau gần cả đời lao động, làm việc, khi lớn tuổi phải đối diện với nhiều vấn đề: an sinh, sức khỏe, đời sống tinh thần… và trong từng gia đình hay rộng hơn là toàn xã hội phải có trách nhiệm với lớp người đi trước, đó còn là đạo lý đáp đền tiếp nối. Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi năm nay (1.10.2024) Người Đô Thị thực hiện chuyên đề này, từ các góc tiếp cận khác nhau, về những thách thức mà xã hội đang đối diện với xu hướng dân số già, và tâm sự của người trong cuộc.
GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Viện trưởng Viện Tim TP.HCM) năm nay tròn 80 tuổi. Bà vừa được trao giải thưởng Ramon Magsaysay - được coi là giải “Nobel châu Á” - vì những cống hiến trong nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe sinh sản và những nỗ lực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.
Tâm sự với Người Đô Thị trướcngày diễn ralễ trao giải thưởng Ramon Magsaysay (16.11 tại Philippines), GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ về những ước mơ khi tuổi còn xanh và những cảm nhận hôm nay như một mong muốn chung cho người già ở Việt Nam.
Bác sĩ có thể cho biết những điều hài lòng nhất về sự nghiệp của mình?
Tôi nghĩ tôi đã đào tạo được một lớp bác sĩ trẻ rất giỏi, có thể nói là giỏi hơn tôi nữa và nhất là họ có tình thương đối với bệnh nhân. Thứ đến trong thời gian làm nghề, tôi cũng có được một số đóng góp nhằm phát triển chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao của thế giới về áp dụng ở Việt Nam.
Tôi cũng quan tâm đến điều kiện y tế của những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, nên đã góp một phần công sức để đào tạo các cô đỡ thôn bản nhằm chăm sóc cho phụ nữ ở đó, giảm được tỷ lệ tử vong cũng như tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Ngoài ra còn hướng dẫn các thai phụ tự chăm sóc trước và sau sinh để “mẹ tròn con vuông”...
Thưa, bí quyết của bà trong việc sắp xếp thời gian cho gia đình và sự nghiệp nghiên cứu khi không còn chính thức làm việc ở các cơ quan Nhà nước?
Thật ra cũng không có bí quyết gì. Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn trước nên việc lo cho gia đình, con cháu, nhất là cho cháu ngoại, được nhiều hơn và có thời gian để tiếp tục những nghiên cứu trước đây. Thí dụ như về Cô đỡ thôn bản, về hưu nhưng tôi vẫn hai lần đi lên các tỉnh Tây Nguyên mỗi năm nhằm hỗ trợ, động viên họ tiếp tục gắn bó với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ vùng dân tộc thiểu số.
Tôi xin nhấn mạnh thêm là ngoài việc giữ gìn sức khỏe bằng tập luyện và dinh dưỡng khoa học, về mặt tinh thần người cao tuổi phải có sự hài lòng là mình vẫn còn có ích cho gia đình, xã hội. Cho nên khi chăm sóc con cháu trong nhà chu toàn rồi thì đi ra ngoài đóng góp cho xã hội càng làm cho tinh thần vui hơn, sống lạc quan hơn.
GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Hoặc tôi vẫn tiếp tục đến các tỉnh như Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai, Bến Tre, An Giang rồi vùng ngoại thành lẫn nội thành TP.HCM nữa, để chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam ở phía Nam. Mới nhất từ 2022 đến 2023, tôi đặt vấn đề nghiên cứu liệu những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam có khả năng bị bệnh gút cao hơn không? Kết quả người bị phơi nhiễm trực tiếp có tỷ lệ bệnh gút rất cao. Tôi đã công bố các bằng chứng đó để thế giới biết.
Với tư cách Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tôi cũng thường xuyên dự các hội nghị quốc tế về tác hại của dioxin. Có thể nói sau khi nghỉ hưu ở cơ quan nhà nước, tôi đầu tư nhiều hơn cho công việc ở hội này, rồi Hội Phụ sản Việt Nam, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, Hội Việt Mỹ… Bí quyết là đam mê thôi.
Khi còn trong tuổi lao động theo quy định của Nhà nước, điều gì bà quan tâm, mong muốn nhất?
Nói thật khi còn làm việc, trách nhiệm là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một bệnh viện sản lớn, rất nặng nề. Bởi ngành sản khoa có thể xảy ra nhiều tai biến nên phải hành động, phải phản ứng rất kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Dù khi đó nuôi con mọn, tôi không dám đi đâu nhiều để khi có tai biến y khoa là lập tức có mặt ở bệnh viện để cùng các bác sĩ giải quyết.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên; vấn đề nhân sự... còn thêm trách nhiệm phải làm thế nào để khuyến khích anh chị em từ hộ lý, nữ hộ sinh đến bác sĩ có thái độ hòa nhã, niềm nở, tận tình với bệnh nhân. Điều đó đòi hỏi sự động viên thường xuyên. Có thể tôi cũng đã đóng góp cho bệnh viện trong việc vừa điều trị, vừa nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, bệnh viện đã hai lần nhận danh hiệu Anh hùng.
Lúc chưa nghỉ hưu, vấn đề tôi quan tâm như đã nói là làm thế nào phát triển những chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao của thế giới. Phải cố gắng đem những kỹ thuật đó về áp dụng trong nước mình. Cụ thể như phẫu thuật nội soi, xét nghiệm nội tiết kịp thời để điều trị vô sinh. Rồi vấn đề ngân hàng tinh trùng, điều trị hiếm muộn, vấn đề nuôi con non tháng... Nhưng vẫn phải hai vai hai gánh, một bên là kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu, một bên phải lo cho y tế cơ sở phục vụ người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Khi đó, tôi còn là Chủ nhiệm Bộ môn Sức khỏe phụ nữ ở Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, rồi Chủ nhiệm Bộ môn Sản ở Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tuy ít thời gian nhưng đó cũng chính là sự quan tâm đến vấn đề đào tạo bác sĩ trẻ vừa có khả năng về chuyên môn tốt, đồng thời cố gắng truyền cho họ lòng yêu thương bệnh nhân…
Quan sát đồng nghiệp, bạn bè và mở rộng ra cả xã hội, bà nhận xét gì về người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay? Họ đang cần gì, đang thiếu điều gì từ các cơ chế, chính sách để có thể sống một cuộc sống viên mãn, chất lượng trong tuổi già?
Hiện nay số người cao tuổi được nhận lương hưu còn ít. Bởi số làm việc ở các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp về hưu còn chiếm tỷ lệ thấp so với người làm nghề tự do hoặc làm nông nghiệp. Cho nên điều đó gây khó khăn cho người cao tuổi. Trước mắt tôi thấy cần có cơ chế để người lớn tuổi có được nguồn tài chính đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống.
Vấn đề thứ hai là làm thế nào tạo điều kiện tốt nhất cho người già có thể sống được với con cháu để vẫn tiếp tục đóng góp cho gia đình, xã hội. Chí ít là việc ông bà chăm sóc cháu rất hay. Nước mình phần lớn người cao tuổi ở cùng gia đình, chăm sóc cho con, cho cháu tôi thấy là điều tốt. Điều đó rất quan trọng, nó giúp người cao tuổi có được tinh thần thoải mái, hài lòng với cuộc sống vì thấy mình còn hữu ích.
Tôi xin nhấn mạnh thêm là ngoài việc giữ gìn sức khỏe bằng tập luyện và dinh dưỡng khoa học, về mặt tinh thần người cao tuổi phải có sự hài lòng là mình vẫn còn có ích cho gia đình, xã hội. Cho nên khi chăm sóc con cháu trong nhà chu toàn rồi thì đi ra ngoài đóng góp cho xã hội càng làm cho tinh thần vui hơn, sống lạc quan hơn.
Vấn đề thứ ba là giữ gìn sức khỏe thể chất cho người cao tuổi thông qua khám bệnh định kỳ. Gần đây tôi thấy ở TP.HCM có khám cho người cao tuổi miễn phí nhưng chưa chuyên sâu. Người cao tuổi cần chất lượng khám bệnh tốt hơn. Tốt hơn có nghĩa là bác sĩ cần có thời gian để người già tâm sự, nêu thắc mắc, chia sẻ những điều phải chịu đựng trong tuổi xế chiều. Thăm khám sâu, lắng nghe và giải thích, tư vấn tận tình chu đáo... đó là điều người già cần hơn là chỉ làm qua loa như hiện nay, nó không giúp ích được gì nhiều.
Tóm lại, khi người già có sức khỏe về thể chất, tinh thần và không phải lo lắng nhiều về tài chính thì người ta sẽ sống viên mãn, chất lượng sống mới tốt.
Bà hài lòng về chính sách tăng tuổi hưu, đặc biệt với lao động nữ?
Vâng, với phụ nữ, nhất là với đồng nghiệp của tôi (bác sĩ) mà 55 tuổi về hưu thì còn sớm lắm và cũng hơi lãng phí cho đất nước. Bởi vì phụ nữ ra trường ở độ tuổi 24-25, đến 55 tuổi có 30 năm làm việc. Trong 30 năm đó, có những năm phải dành thời gian thai sản, nuôi con nhỏ, vướng bận gia đình… Tính ra như vậy để thấy thời gian học tập, nghiên cứu phát triển ngành nghề của người phụ nữ có phần thiệt thòi.
Hầu hết phụ nữ 55 tuổi còn sức khỏe và sáng suốt. Từ 55 tuổi trở lên thì người phụ nữ lại rảnh rỗi hơn vì con đã lớn và lại có tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp, nếu phải nghỉ hưu thì quá phí. Đồng nghiệp tôi đi ra ngoài làm ở những bệnh viện tư hay một phòng khám vẫn giúp được cho xã hội. Nhưng họ không được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong bao nhiêu năm làm nghề cho đàn em trong khu vực công thì cũng đáng tiếc. Tôi nghĩ Nhà nước đã cân nhắc.
Quan niệm của bà về mối quan hệ với con cái và sự độc lập của người già trong hoàn cảnh hôm nay?
Vấn đề quan hệ cha mẹ với con cái hiện nay ở Việt Nam, đọc trên báo có trường hợp con đối xử không đúng với cha mẹ, tôi nghĩ đó chỉ là những ca bất thường, thiểu số thôi. Đại đa số gia đình, cha mẹ và con cái vẫn thương yêu nhau.
Xét về tình cảm, theo tôi không cần phải có sự độc lập hoàn toàn giữa người già với con cháu trong đời sống hiện nay. Tôi nghĩ nếu không sống chung thì vẫn chăm sóc nhau được. Hơn nữa, chăm sóc cháu có khi còn là nhu cầu của người già. Họ thương, lo cho cháu còn hơn lo cho con mình trước đây nữa.
Vậy theo bà, chúng ta nên cố gắng tạo điều kiện để duy trì truyền thống “tứ đại đồng đường” hay nên làm theo mô hình ở các nước phương Tây với gia đình chỉ hai thế hệ, còn người lớn tuổi thế hệ ông bà thì sống trong các trung tâm dưỡng lão?
Tôi nghĩ cả hai mô hình đều không phù hợp đối với xã hội Việt Nam ngày nay. Sống chung được cũng tốt, có điều kiện để sống chung thì càng tốt. Ngược lại, sống riêng cũng tốt nhưng cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau bằng cách tạo điều kiện để con cháu về thăm. Nếu vẫn bảo đảm các yếu tố cơ sở đó cho gia đình, đặc biệt người lớn tuổi, sống hạnh phúc thì không nhất thiết phải tách riêng hay ở chung.
Về trung tâm dưỡng lão thì hiện Việt Nam ít lắm và tổ chức phải nói là chưa tốt. Có những Việt kiều tâm sự cha mẹ họ rất tội nghiệp khi hạn chế giao tiếp với nhau, với xã hội, cho nên nếu như trong nước có nhà dưỡng lão tốt, có bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; điều kiện sống thoải mái, sạch sẽ, an toàn, vui vẻ, thì người ta sẵn sàng đưa cha mẹ về sống ở những cơ sở như thế. Ngay cả người lớn tuổi trong nước cũng có nhu cầu đó. Nhưng hiện tại tôi thấy ít có nơi nào đủ điều kiện như trên để con cái đưa cha mẹ vào.
Xin cảm ơn bà.
Quốc Ngọc thực hiện
Nhận “Nobel châu Á” ở tuổi bát tuần
Ngày 31.8, trong một sự kiện trực tuyến toàn cầu, Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay đã công bố 5 chủ nhân của giải thưởng lần thứ 66 năm 2024. GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng là 1 trong 5 cá nhân, tổ chức được trao giải thưởng. Đây là giải thưởng thường niên thành lập năm 1957, mệnh danh là “Nobel châu Á” nhằm tôn vinh những người “phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á”.
GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng được vinh danh là bác sĩ người Việt Nam đã cống hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật về những tàn phá của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe con người, sức khỏe sinh sản của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, kiên trì theo đuổi công lý để đòi công bằng cho họ.
Tại cuộc tọa đàm “Vụ kiện da cam - Một nguyên đơn triệu nạn nhân” ngày 8.5.2021, GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Từ ca đỡ đẻ một em bé khuyết sọ đầu tiên năm 1965 khi mới ngoài 20 tuổi, tôi bắt đầu thu thập các số liệu, chứng cứ, nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Qua bao năm, qua hàng chục ngàn trường hợp mẹ phơi nhiễm - con dị tật, chúng tôi đã chứng minh được tác hại của chất độc da cam lên con người Việt Nam là có thật. Giới khoa học thế giới đã phải công nhận. Dù tòa án Mỹ đã bác đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ba lần ở cả ba cấp tòa, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục vì đó là sự thật, là công lý.
Hành trình đòi lại công lý này sẽ còn tiếp tục, tôi tin rằng ngày nào đó phần thắng sẽ thuộc về chúng ta bởi đó là sự thật, là công lý. Khi bà Trần Tố Nga tiến hành kiện các công ty hóa chất Mỹ tại Pháp, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ủng hộ và cho rằng đây là một điều rất tốt. Đây là vụ kiện lịch sử, nếu vụ kiện thắng sẽ là một án lệ, từ đó nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ đứng ra kiện đòi công lý”.
Theo thông cáo của Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay, công trình nghiên cứu của GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng là lời cảnh báo nghiêm trọng cho thế giới rằng hãy tránh chiến tranh bằng mọi giá vì hậu quả bi thảm của nó có thể kéo dài đến tận tương lai. "Bà đưa ra bằng chứng rằng không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm của chiến tranh và giành lại công lý cũng như sự cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh của nó", thông cáo viết.
Giải thưởng Ramon Magsaysay không chỉ là vinh dự của cá nhân, gia đình GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng mà còn là niềm tự hào to lớn của ngành y tế TP.HCM. Lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 16.11 tại nhà hát Metropolitan ở Manila - Philippines.
Sau 30 năm, tỷ lệ người già sống với con cái giảm gần 2/3
Theo số liệu điều tra được thực hiện với hơn 6.000 người cao tuổi trên toàn quốc do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển công bố năm 2020, có khoảng 19,4% người cao tuổi sống riêng hai vợ chồng; 8,6% người cao tuổi sống một mình; 61,3% đang sống với ít nhất một người con ruột.
Một nghiên cứu khác mang tên “Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang lão hóa” do PGS-TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới làm chủ nhiệm, thực hiện ở hơn 300 người cao tuổi sống ở Ninh Bình và 500 người cao tuổi sống ở Đà Nẵng cho thấy tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn tăng từ 3,47% vào năm 1992-1993 lên 20,5% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con giảm từ 79,73% vào năm 1992-1993 xuống còn 28,4% năm 2017...