'Green Choice': Hành trình từ chất thải đến giá trị bền vững

Giữa không khí sôi động và tinh thần đổi mới của cuộc thi 'STARTUP UTH 2024', do trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM tổ chức, nhóm 'Green Choice' (trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đã để lại dấu ấn sâu sắc khi giành giải Á quân và giải thưởng 'Đội thi được yêu thích nhất'.

Thành viên của nhóm ‘Green Choice’ gồm: Khuất Hồng Trúc Vy (ngành Quản trị Kinh doanh – NIIE); Tống Minh Tiến (ngành Thiết kế đồ họa, khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng); Huỳnh Tuấn Khanh (ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học – Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững).

Hành trình từ chất thải đến giá trị bền vững

Cuộc thi có chủ đề: “Digital Ecosystems for a Green Future – Hệ sinh thái kỹ thuật số cho một tương lai xanh” nhằm nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Đến với cuộc thi, các bạn sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã mang dự án “The Green Journey from Waste to Sustainable Value – Hành trình từ chất thải đến giá trị bền vững", do ThS Trần Thành (Viện Nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến) hướng dẫn, đã xuất sắc giành giải Á quân chung cuộc (Giải Sáng tạo nổi bật).

“The Green Journey from Waste to Sustainable Value” là sự kết hợp giữa sáng tạo và thực tiễn, lấy ý tưởng từ một vấn đề rất Việt Nam là tái chế rác thải nông nghiệp, đặc biệt là vỏ sầu riêng – loại rác thải khó xử lý và thường bị bỏ phí. Bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học mang tên Duriobio, nhóm đã phát triển thành công quy trình xử lý vỏ sầu riêng thành phân bón hữu cơ. Không dừng lại ở đó, nhóm còn áp dụng công nghệ sấy thăng hoa để sản xuất sầu riêng sấy khô, vừa giữ trọn dưỡng chất, vừa nâng cao giá trị thương mại của loại quả này.

Ba thành viên của nhóm dự án.

Ba thành viên của nhóm dự án.

“Chúng mình không chỉ muốn tạo ra một sản phẩm, mà còn mong muốn xây dựng một chuỗi giá trị tuần hoàn, nơi mỗi phần của quả sầu riêng đều mang lại lợi ích kinh tế và môi trường”, Trúc Vy (thành viên dự án) chia sẻ.

Câu chuyện đằng sau dự án

Dự án 'Green Choice' không phải là một hành trình dễ dàng. Với cấu trúc cứng và khó phân hủy, vỏ sầu riêng đặt ra một thách thức lớn cho nhóm trong việc tìm ra vi sinh vật và điều kiện phù hợp để rút ngắn thời gian xử lý. Thêm vào đó, việc đầu tư vào thiết bị công nghệ cao, đặc biệt là máy sấy thăng hoa, cũng là một bài toán khó, khi nguồn vốn của nhóm còn hạn chế.

Nhóm bảo vệ trước Ban Giám khảo cuộc thi ‘STARTUP UTH 2024’.

Nhóm bảo vệ trước Ban Giám khảo cuộc thi ‘STARTUP UTH 2024’.

“Có những lúc tưởng chừng bế tắc, nhưng chúng mình luôn kiên trì thử nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia”, Minh Tiến (thành viên dự án) nhớ lại.

Với sự hướng dẫn từ các cố vấn: ThS Trần Thành và mentor đỡ đầu TS Lê Thị Ánh Hồng – Viện Sinh học nhiệt đới, nhóm không chỉ giải quyết được vấn đề kỹ thuật mà còn hiểu sâu hơn về giá trị bền vững mà dự án mang lại.

Tuấn Khanh (thành viên nhóm) chia sẻ thêm: “Dự án này không chỉ là để tham gia một cuộc thi. Mỗi khi nhìn thấy thành phẩm từ phân bón hữu cơ đến sầu riêng sấy, chúng mình cảm nhận được ý nghĩa của công việc đang làm. Nó không chỉ giúp ích cho môi trường mà còn có thể thay đổi cách người nông dân xử lý rác thải”.

Nhóm giành giải Á quân cuộc thi ‘STARTUP UTH 2024’.

Nhóm giành giải Á quân cuộc thi ‘STARTUP UTH 2024’.

Ngoài thành tích Á quân chung cuộc, ‘Green Choice’ còn xuất sắc dành được giải thưởng "Đội thi được yêu thích nhất". Điều làm nên thành công đó không chỉ nằm ở ý tưởng sáng tạo, hay công nghệ tiên tiến mà còn là cách các bạn kết nối với cộng đồng. Nhóm đã sử dụng mạng xã hội như một cầu nối để chia sẻ câu chuyện của mình, từ những thử thách trong phòng thí nghiệm đến giá trị mà sản phẩm mang lại cho môi trường. Các bạn tổ chức các buổi giới thiệu trực tuyến, nơi khán giả được tận mắt nhìn thấy quy trình sản xuất và đặt câu hỏi trực tiếp với nhóm.

“Chúng mình muốn mọi người cảm nhận được rằng, việc tái chế không chỉ là trách nhiệm mà còn có thể mang lại niềm vui và lợi ích thực sự”, Trúc Vy chia sẻ.

Bước tiến mới cho tương lai

Sau cuộc thi, ‘Green Choice’ không dừng lại ở thành công hiện tại. Nhóm đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và chuẩn bị đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ là nền tảng để các bạn hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất. Nhóm cũng đặt mục tiêu phát triển thêm các chế phẩm sinh học từ các loại rác thải nông nghiệp khác, nhằm tạo ra một danh mục sản phẩm đa dạng hơn.

“Chúng tôi muốn ‘Green Choice’ không chỉ là một dự án khởi nghiệp mà còn là một phần của trào lưu sống xanh. Bằng cách kết hợp công nghệ hiện đại và sự sáng tạo, chúng mình tin rằng có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về rác thải nông nghiệp”, Minh Tiến khẳng định.

Hiện tại, nhóm đang mang dự án “The Green Journey from Waste to Sustainable Value” đến với cuộc thi ‘Sáng tạo trẻ 2024’ do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức và may mắn lọt vào Top 5 các dự án xuất sắc nhất.

Hiện tại, nhóm đang mang dự án “The Green Journey from Waste to Sustainable Value” đến với cuộc thi ‘Sáng tạo trẻ 2024’ do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức và may mắn lọt vào Top 5 các dự án xuất sắc nhất.

Qua cuộc thi ‘STARTUP UTH 2024’, ‘Green Choice’ cho biết, nhóm đã học được nhiều bài học quý giá từ quản lý dự án, làm việc nhóm cho đến việc phát triển sản phẩm. Một trong những bài học lớn nhất là việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dùng và các mentor. Điều này giúp nhóm liên tục cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất, đảm bảo dự án phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

Ngọc Ánh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/green-choice-hanh-trinh-tu-chat-thai-den-gia-tri-ben-vung-post1692480.tpo