Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Ngày 24/8, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Toàn cảnh hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vưc giáo dục.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, mục đích của hội nghị là nhằm thu thập các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà giáo, nhà qản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện hai dự thảo luật và cho ý kiến vào hai dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung liên quan đến trình độ phổ thông; chương trình, sách giáo khoa; chính sách giáo viên; người học; học phí…

Đáng chú ý là nội dung về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với người sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp và đã hoàn thành chương trình trung cấp. Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp (Điều 32) và Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.

Đặc biệt là quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chương trình và duyệt sách giáo khoa; thời gian học tập của học sinh phổ thông: bố trí thời gian, không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Liên quan đến chính sách cho giáo viên, hội nghị dự kiến sẽ lấy ý kiến về định mức, số lượng giáo viên: tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ giáo viên/lớp và đề xuất giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ. Đặc biệt là chính sách lương nhà giáo, việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) tiếp tục khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”); việc đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và tín dụng sư phạm.

Một trong những nội dung quan trọng dự kiến cũng được hội nghị tập trung lấy ý kiến là vấn đề phổ cập và phổ cập bắt buộc; việc không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở; chính sách chăm lo cho mầm non trước mắt 5 tuổi (không phân biệt công tư); việc xác định nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo; vấn đề trần học phí…

Trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=36992