Gọi tổng đài 1900 lấy mật khẩu VssID, vài phút đã mất 50.000 đồng

Đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xem lại tính năng lấy lại mật khẩu trong 'app' VssID; đồng thời đề nghị Bộ TT-TT kiểm tra mức cước tổng đài dịch vụ đầu số 1900 hiện đang tận thu rất nhiều mức phí khác nhau...

Anh N.V.T. phản ánh tới đường dây nóng của Báo SGGP, ngày 24-10, anh đăng nhập vào “app” VssID của BHXH Việt Nam để kiểm tra quá trình đóng và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng quên mật khẩu.

Giao diện VssID trên điện thoại smartphone

Anh T. sử dụng chế độ “quên mật khẩu” để nhận lại mật khẩu qua email. Sau đó, BHXH Việt Nam gửi cho anh qua email một mã OTP để xác thực. Nhưng điều đáng nói là trên “app” VssID lại không có mục nào để nhập mã OTP đó vào. Trong khi, theo quy định, phải gửi lại cổng điện tử của BHXH Việt Nam mã OTP vừa nhận thì mới tiếp tục nhận được mật khẩu để chính thức đăng nhập VssID.

Anh T. tiếp tục lên Google tìm kiếm số điện thoại tổng đài hỗ trợ “cách lấy lại mật khẩu VssID” và “cách đăng nhập VssID” thì nhận được một số tổng đài là 1900252510 nhận tư vấn, hỗ trợ.

Tuy nhiên, mất 6-7 phút gọi và chờ điện thoại, anh T. mới lấy lại được mật khẩu của mình (tất nhiên vẫn không thể tìm được mục điền mã OTP gửi cho cơ quan bảo hiểm). Điều này có nghĩa, bắt buộc phải gọi điện cho các tổng đài để xin hoặc nhờ hướng dẫn, hỗ trợ mới có thể lấy lại mật khẩu đã quên.

Điều đáng nói ở đây là khi kiểm tra cước phí gọi điện, anh T. ngỡ ngàng thấy báo tổng thời gian gọi hơn 6 phút nhưng tổng cước tới hơn 50.000 đồng. Như vậy, cước mỗi lần gọi tổng đài 1900 này lên tới 8.000 đồng/phút.

Bảng báo cước gọi đầu số 1900252510 của anh T. ngày 24-10

Theo anh T., mặc dù tổng số tiền không đáng là bao, nhưng việc nhà mạng (tổng đài) tính cước tư vấn với giá "cắt cổ như thế" đã gây khó chịu cho rất nhiều người dùng và có thể thu được một lượng tiền lớn nếu có hàng ngàn, hàng vạn người sử dụng.

Phóng viên Báo SGGP đã vào cuộc tìm hiểu thì phát hiện số tổng đài 1900 nêu trên là của một văn phòng luật sư có địa chỉ tại Hà Nội. Tổ chức này lập trang web kèm đầu số 1900 chuyên tư vấn bảo hiểm xã hội. Trong đó, có các đầu mục hỗ trợ như đăng ký tài khoản VssID, cấp lại mật khẩu đăng nhập…

Không riêng vụ tư vấn bảo hiểm xã hội này, hiện nay, theo nhiều người dân, việc các tổng đài 1900 “đánh” cước quá đắt, trong khi chất lượng tư vấn không được như mong đợi, khiến không ít người bức xúc.

Thông thường, mức cước của các tổng đài 1900 hiện nay chỉ dưới 1.000 đồng/phút, nhưng nhiều tổng đài tính cước 1.500 đồng/phút; có tổng đài lên tới 8.000 đồng/phút, thậm chí 15.000 đồng/phút.

Cước phí đã cao hơn nhiều mức bình thường, song một số tổng lại thường đưa các bản nhạc chờ, thậm chí quảng cáo dịch vụ khi khách gọi, sau đó tính luôn cước phí cả lúc nhạc chờ, thậm chí khách chưa hề gặp được tư vấn viên.

Thậm chí, nhiều người cho biết, nhiều lần gọi lên tổng đài báo bận, gọi đi gọi lại, mỗi lần mất 1.500 đồng, có khi đến lần thứ 3 hoặc hôm sau mới gặp được tư vấn viên, "quay đi quay lại mất 10.000 đồng". Nhiều khi gặp tư vấn viên, bị ngâm hoặc đẩy qua đẩy lại số này số kia cũng mất toi 10.000 đồng.

Nhiều người đề nghị Bộ TT-TT xem lại cách tính cước của các tổng đài. Ảnh minh họa

“Những chiêu thế này rất nhiều, xảy ra ở các đầu số tổng đài của nhiều ngành, lĩnh vực, từ taxi công nghệ, xe khách đến điện lực, ngân hàng, bảo hành sản phẩm…” - một thành viên bày tỏ. Nhiều người cũng than thở: “Cứ nghe đến đầu số tổng đài 1900 là ấm ức”.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp mỗi tháng tiếp nhận đến vài trăm nghìn cuộc gọi, nên nguồn thu không hề nhỏ. Doanh thu từ cước phí của các tổng đài dịch vụ đầu số 1900 đều được các nhà mạng "chiết khấu" lại cho doanh nghiệp, tổ chức thuê đầu số ở mức khoảng 15%-40%, nên tổ chức hoặc doanh nghiệp cũng thu về một khoản không nhỏ.

Nhiều người cho rằng, việc thu phí đầu số dịch vụ tổng đài là hợp lý, nhưng chỉ nên tính từ lúc nhân viên nhấc máy và cơ quan chức năng cần xem xét lại mức cước phí (để như hiện nay là quá bất hợp lý, theo nhiều người là một cách móc túi trắng trợn). Bộ TT-TT cần vào cuộc, xử lý ngay tình trạng này.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng cần xem lại app VssID, để làm sao người lao động dễ dàng thao tác, sử dụng. Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh tình trạng khó lấy lại mật khẩu VssID nếu để quên, để mất.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/goi-tong-dai-1900-lay-mat-khau-vssid-vai-phut-da-mat-50000-dong-post711319.html