Gợi lại ký ức của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên
Tối 1/9, chương trình 'Niềm tin và khát vọng' được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu ở Thanh Hóa, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024).
Tại Thanh Hóa, chương trình được tổ chức tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Tại Đồng Tháp, chương trình diễn ra ở Khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Cao Lãnh.
Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình diễn ra ở khuôn viên Tượng đài Anh Hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái, TP Thủ Đức.
Cách đây tròn 70 năm Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.
Ðây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó tầm nhìn chiến lược của Đảng ta nhằm bồi dưỡng - đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Chuyến tàu tập kết năm 1954 - là một hành trình mà dân tộc ta đã đi và đã đến với niềm tin, khát vọng thống nhất như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”.
Cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) - nơi đầu tiên của miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, 70 năm trước, hàng trăm ngàn người con miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã tập kết chuyển quân tại nhiều khu vực, trong đó có các địa phương của Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như Xuyên Mộc-Bà Rịa, Cao Lãnh-Đồng Tháp, Sông Đốc-Cà Mau... đã lên tàu rời xa quê hương, để lại sau lưng những người thân yêu nhất cùng hình bóng làng quê, xóm rẫy...
Chương trình cầu truyền hình gồm 3 phần: phần I - Đi vinh quang - Ở anh dũng, là sự gặp gỡ các nhân chứng với những hồi ức về những lời nhắn gửi ngày chia tay...; phần II kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Thanh Hóa, thể hiện là một hậu phương lớn đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim; phần III là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Với thời lượng 140 phút, qua các phóng sự, video clip nhắc đến Dấu son lịch sử và niềm khát khao thống nhất; Ký ức một hành trình; Hậu phương lớn nghĩa nặng tình sâu; Miền Nam trong trái tim Người; Những người con miền Nam trên đất Bắc; Những bức thư vượt giới tuyến; Hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và Nối mãi một hành trình.
Cùng với đó là các cuộc trò chuyện giao lưu với nhân chứng lịch sử, kết hợp với những ca khúc, các tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người đã mang đến cho người xem, người nghe những cung bậc cảm xúc về những ngày tháng lịch sử nghĩa nặng tình sâu không thể nào quên của những người dân nước Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/goi-lai-ky-uc-cua-mot-giai-doan-lich-su-khong-the-nao-quen.html