Gỡ vướng về giải ngân vốn đầu tư công cho 8 tỉnh, TP phía Nam

Làm việc với tám tỉnh, TP phía Nam có tỉ lệ giải ngân thấp, Tổ công tác của Thủ tướng đã chỉ ra các yêu cầu phải làm để khắc phục trong thời gian tới.

Chiều 16-5, tại TP Cần Thơ, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tám tỉnh, thành phía Nam để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tám địa phương gồm TP Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Tỉ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước

Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hóa, Xã hội (Bộ KH&ĐT), báo cáo về tình hình, kết quả ước tính giải ngân năm tháng đầu năm 2022.

Ông Hùng cho biết cuối năm 2021, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho tám địa phương với tổng số vốn là hơn 39.760 tỉ đồng (đến nay đã phân bổ chi tiết 85,67%). Trong đó, tổng số ngân sách trung ương trong nước là hơn 9.942 tỉ đồng (đã phân bổ 100%), tổng vốn ODA là hơn 3.195 tỉ đồng (đã phân bổ 78,44%), tổng số vốn ngân sách địa phương là hơn 26.622 tỉ đồng (đã phân bổ hơn 100%).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đi kiểm tra tiến độ dự án BV Ung bướu Cần Thơ vào sáng 16-5. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đi kiểm tra tiến độ dự án BV Ung bướu Cần Thơ vào sáng 16-5. Ảnh: VGP

Tổng số vốn NSNN của tám tỉnh, thành đã giải ngân tính đến ngày 30-4 là hơn 5.768 tỉ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (15,08%). Ước tính giải ngân năm tháng của tám tỉnh, thành đến ngày 30-5 hơn 7.657 tỉ đồng, đạt 18,9% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (20,61%).

Theo ông Hùng, khó khăn khách quan của việc này là do giá nguyên vật liệu tăng cao, vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng, đa số dự án khởi công mới đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Ngoài ra còn có các vướng mắc về cơ chế, chính sách như quy trình, thủ tục giải ngân vốn ODA, chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2022, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa…

Ông Hùng cũng cho hay Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2021 sang năm 2022 (hơn 20.000 tỉ đồng). Hiện Bộ KH&ĐT đang làm thông báo để các tỉnh, thành và bộ, ngành triển khai thực hiện sớm.

Sẽ mạnh tay cắt vốn nếu không giải ngân được

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá dù tám địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với cả nước nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ số có cải thiện. Ông Khái mong thời gian tới, các địa phương tiếp tục cải thiện tình hình, tháo gỡ khó khăn để làm sao giải ngân tốt hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng một số nguyên nhân dẫn kết quả giải ngân chưa đạt như mong muốn có thể kể đến là công tác chuẩn bị đầu tư, giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến, về tổ chức thực hiện…

“Mặc dù thời gian qua trong công tác chỉ đạo điều hành các đồng chí có quan tâm và quyết liệt hơn… Tuy nhiên, tổ chức thực hiện, sát sao công việc, tôi có cảm nhận đâu đó chưa được trách nhiệm cao. Trong phân công không rõ ràng, không cụ thể về mặt nội dung, không có tiến độ về mặt thời gian, không kiểm tra tổ chức thực hiện, không đánh giá được tính hiệu quả” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Ông Khái cũng lưu ý một số vấn đề, trong đó có việc Thủ tướng đã có quyết định đồng ý điều chuyển trên 20.000 tỉ đồng vốn đầu tư năm 2021 sang năm 2022. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải linh hoạt điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng thực hiện, còn địa phương không điều chuyển được thì trung ương phải cắt từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ bộ, ngành này sang bộ, ngành khác…

Cũng theo ông Khái, vừa qua Thủ tướng chỉ đạo rà soát đến ngày 30-3 mà không giải ngân trong năm 2022 thì phải cắt. Tuy nhiên, Nghị định 40/2020 quy định đến tháng 6 nên tới đó nếu vẫn chưa giải ngân thì phải làm mạnh tay.

“Tôi đề nghị các địa phương phải nêu, phê bình rõ chủ đầu tư nào không làm được” - Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết hai dự án kéo dài ở Cần Thơ là dự án chỉnh trang đô thị và dự án BV Ung bướu Cần Thơ. Đối với kiến nghị của các tỉnh, ông Khái lưu ý cái nào khó, chưa yên tâm thì phải báo cáo Thủ tướng.

“Quá trình thực hiện giải ngân lưu ý không vì có sai phạm mà sợ, thay vào đó cần phải làm thận trọng, làm phải kiểm tra kiểm soát, chống lợi ích không bình thường” - ông Khái nói.

Giải ngân của Cần Thơ chỉ đạt khoảng 10%

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết kế hoạch đầu tư công của Cần Thơ năm 2022 khoảng 8.300 tỉ đồng. Đến tháng 4, TP đã phân bổ khoảng 6.900 tỉ đồng, còn khoảng 1.400 tỉ đồng chưa phân bổ.

Về kết quả giải ngân TP đạt thấp so với yêu cầu, đến ngày 12-5 chỉ mới giải ngân hơn 799 tỉ đồng, đạt khoảng 10% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và đạt 11,71% kế hoạch vốn giao chi tiết.

Theo ông Hồng, ngay trong tuần này, TP sẽ thành lập ba tổ công tác chuyên biệt theo ba nhóm nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đáp ứng yêu cầu. Các nhóm gồm nhóm kiểm tra, đôn đốc các dự án ODA; nhóm kiểm tra, đôn đốc các dự án do các chủ đầu tư cấp TP và nhóm kiểm tra, đôn đốc các dự án do các quận, huyện đầu tư.

“TP kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các đơn vị thực hiện chậm tiến độ, không giải ngân đạt tỉ lệ như cam kết và thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước” - ông Hồng khẳng định.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/go-vuong-ve-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cho-8-tinh-tp-phia-nam-post680306.html