Gỡ 'nút thắt' thiếu giáo viên
Bài 2:
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC
BPO - Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Bình Phước có gần 254.740 học sinh, phân bổ tại 430 trường, tăng hơn 10.740 em so với năm học 2021-2022. Cũng trong năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng đồng loạt ở các khối lớp 3, 7 và 10. Với thực tế này, để đáp ứng nhu cầu dạy học trên địa bàn tỉnh thì cần thêm 1.564 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân?
Không có nguồn nhân lực
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Thực trạng thiếu giáo viên là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Để khắc phục tình trạng này, ngày 18-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Cụ thể, quyết định này bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026. Trong đó, riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các tỉnh, thành phố hiện nay là nguồn nhân lực để tuyển dụng.
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, huyện Bù Gia Mập hiện cần khoảng 70 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Trong ảnh: Một lớp học tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, huyện Bù Gia Mập
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đắk Mai, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết: Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, về phía nhà trường, đội ngũ giáo viên theo biên chế đầu năm của Sở GD&ĐT là 56 người, kể cả giáo viên và nhân viên. Nhưng trường đang thiếu 2 giáo viên ở bậc THPT cho môn Tiếng Anh và Mỹ thuật.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Bù Gia Mập có khoảng 16.760 học sinh với hơn 600 lớp được phân bổ tại 34 trường học các cấp trên địa bàn huyện. Để duy trì số lượng lớp, học sinh đối với bậc tiểu học và THCS đúng quy định, huyện Bù Gia Mập cần tối thiểu 1.189 biên chế. Đến nay còn thiếu khoảng 70 chỉ tiêu.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Bù Gia Mập có khoảng 16.760 học sinh với hơn 600 lớp học được phân bổ tại 34 trường học các cấp trên địa bàn huyện. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học huyện cần khoảng 70 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023. Trong ảnh: Hoạt động dạy và học tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, huyện Bù Gia Mập
Có thể thấy, thực trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh với các bộ môn khác nhau. Đối với những địa phương biên giới, vùng sâu, vùng xa và khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh thì tình trạng “khát” giáo viên càng cao, nhất là khi việc tổ chức thi tuyển biên chế, viên chức trong ngành giáo dục chưa thu hút được người tham gia. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, thị xã có kế hoạch tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, rất nhiều chỉ tiêu, nhất là với các môn Âm nhạc và Tin học không có ứng cử viên gửi hồ sơ thi tuyển. Điều này khiến việc gỡ nút thắt “khát" giáo viên khó càng thêm khó.
Giáo viên “nhảy” việc
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn một số yếu tố dẫn đến việc thiếu giáo viên hiện nay. Đó là sự thay đổi tư duy của một số giáo viên và rất nhiều người đã chuyển đổi nghề nghiệp trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Bù Gia Mập cho rằng: Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung là do sự thay đổi tư duy của một số giáo viên về nghề nghiệp. Một số trường hợp đã chuyển đổi nghề do áp lực công việc giảng dạy. Điều này khiến tình trạng thiếu giáo viên ngoài nguyên nhân do tăng trường, tăng lớp thì đây là lý do “tự giảm” trong nội bộ ngành.
Sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên. Một số giáo viên đã mạnh dạn từ bỏ công việc gắn bó nhiều năm để chấp nhận mạo hiểm, thử sức với công việc mới, đặc biệt là giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học. Bên cạnh đó, giáo viên “nhảy” việc còn vì một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới, gây áp lực công việc đối với giáo viên.
“Tỷ lệ nghịch” khiến khó chồng khó
Qua tìm hiểu của phóng viên từ các cơ sở giáo dục, nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua là do số lượng giáo viên chuyển đổi công việc; do ngành giáo dục có thời gian tuyển dụng ít hơn số giáo viên nghỉ hưu; do thừa - thiếu cục bộ, khó điều tiết và do tăng dân số tự nhiên.
Những con số thiếu và cần bổ sung giáo viên nêu trên ngoài mục đích để đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, quan trọng hơn là để thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo thống kê của ngành giáo dục, số giáo viên thiếu cần bổ sung từ nay đến năm 2026 khoảng 107.000 người trên phạm vi cả nước. Và con số giáo viên cần bổ sung trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ nay đến năm 2026 cũng rất lớn. Năm học 2022-2023, nhiều trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ra thông báo tuyển dụng giáo viên nhưng số lượng và chỉ tiêu tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh đang diễn ra chủ yếu đối với các đô thị, khu vực trung tâm có tốc độ phát triển nhanh. Giáo viên thiếu chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, vì số lượng học sinh tăng hằng năm. Có những địa bàn, khu vực tăng thêm 1 trường, có những cơ sở giáo dục tăng thêm lớp học nên rất khó khăn về nguồn giáo viên. Ngoài ra, nguyên nhân chính là do giáo viên bị cắt giảm biên chế theo định mức hằng năm trong khi số học sinh thì không ngừng tăng thêm. Hai nguyên nhân ngược chiều nhau dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên càng nhiều.
Ông HỒ HẢI THẠCH
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trong thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là do số lượng học sinh tăng mạnh, do có nhiều môn học mới, thời lượng phẩn bổ nội dung học nhiều hơn, trong khi ngành giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định mỗi năm 10%.
Những nguyên nhân nêu trên khiến ngành giáo dục đang đứng trước thử thách rất lớn giữa việc phải đảm bảo dạy học đúng và đủ theo nội dung chương trình mới đặt ra, trong khi nhân sự thiếu so với quy định cũng như nhu cầu thực tế. Ngành giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức, muốn gỡ được “nút thắt” này tận gốc cần có những giải pháp căn cơ mang tính chiến lược, lâu dài.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/142947/go-nut-that-thieu-giao-vien