Gỡ khó, tăng tốc công trình giao thông trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua đều thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh; người dân, doanh nghiệp phấn khởi. Có 2 vướng mắc lớn cần tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm (công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu san lấp), đòi hỏi quyết tâm, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công...

Thi công cao tốc

Thi công cao tốc

Điểm sáng tích cực

Nhận thấy tầm quan trọng của giao thông kết nối, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng ban Thường trực, thành viên là người đứng đầu bộ, ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 11 phiên họp, mỗi phiên đều tập trung đánh giá kết quả thực hiện kết luận chỉ đạo của Trưởng ban và Phó Trưởng ban Thường trực ở phiên họp trước đó; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhờ vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ ngay; kết luận của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc.

Tại phiên họp thứ 11 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao tại phiên họp thứ 10. Cụ thể, nhiều địa phương nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tập trung chỉ đạo thi công dự án được giao làm cơ quan chủ quản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025; thành lập các tổ công tác liên ngành, đoàn công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khai thác vật liệu san lấp cho dự án trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; hướng dẫn UBND tỉnh Sóc Trăng về khai thác cát biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp ngưỡng chịu mặn của cây trồng, độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản để đánh giá khả năng dùng cát biển cho các dự án giao thông. Bộ GTVT tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ôtô cao tốc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát kết nối đường cao tốc.

Ngày 28/4/2024, Bộ GTVT đưa vào khai thác cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 2.000km, riêng tổng chiều dài cao tốc Bắc - Nam là 1.187km.

Tiếp tục gỡ khó

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm nhằm phấn đấu giảm giá thành vận tải (hiện còn khá cao so các nước trong khu vực và thế giới). Do vậy, bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục vượt qua khó khăn, bất cập, triển khai thi công trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “bàn làm chứ không bàn lùi”, tăng ca, kíp làm xuyên lễ, ngày nghỉ, sớm đưa các dự án vào sử dụng, nhưng phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.

Đối với công tác GPMB, Thủ tướng Chính phủ giao người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm xử lý, tăng cường tuyên truyền, vận động, đảm bảo hài hòa lợi ích để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng; Bộ TN&MT trực tiếp cùng từng tỉnh, thành phố xử lý vướng mắc này.

Đối với tình hình thiếu cát san lấp cho cao tốc ở ĐBSCL, công trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, vào làm việc với các địa phương. “Trên tinh thần đảm bảo cung ứng đủ nguồn cát cho công trình trọng điểm theo cơ chế đặc thù, tất cả thủ tục cấp phép khai thác mỏ đều được thực hiện theo thủ tục rút gọn. Chính phủ sẽ sớm điều chỉnh Nghị định 59/2015/NĐ-CP phù hợp thực tế, tạo thuận lợi cho địa phương” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đảm bảo hài hòa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh có mỏ cát sông ở ĐBSCL, như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang... đều cam kết hoàn thành thủ tục, giao mỏ cát cho nhà thầu khai thác, phục vụ công trình giao thông trọng điểm theo cơ chế đặc thù. Riêng UBND tỉnh Sóc Trăng cam kết đến giữa tháng 5/2024 sẽ giao 2 mỏ cát biển trong khu B1, tổng trữ lượng hơn 5,5 triệu m3; đề nghị Bộ GTVT ban hành phương án khai thác cát biển, bộ, ngành hỗ trợ quản lý địa điểm khai thác nằm cách xa bờ hơn 20km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, đối với Dự án thành phần 1 của Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua An Giang), tất cả 4 gói thầu xây lắp đều đang được tập trung triển khai thi công, tiến độ đạt 13,6%, vượt so với kế hoạch (13,45%). Đối với cung ứng cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, An Giang đã cấp bản xác nhận thu hồi khoáng sản 5 khu mỏ và 1 dự án nạo vét (trữ lượng hơn 6,8 triệu m3), hiện còn thiếu 194.000m3 (so chỉ tiêu phân bổ 7 triệu m3), tỉnh đề nghị Bộ GTVT tìm nguồn khác phân bổ.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã giao 2 mỏ cho TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, trữ lượng hơn 5,9 triệu m3, còn thiếu gần 1,6 triệu m3 (so chỉ tiêu phân bổ 7,5 triệu m3). Riêng đoạn cao tốc qua An Giang, nhu cầu hơn 9,3 triệu m3, mới bàn giao được hơn 5,9 triệu m3, hiện còn thiếu gần 3,4 triệu m3. UBND tỉnh giao Sở TN&MT thuê đơn vị đo đạc mỏ đang đóng cửa do vi phạm, thực hiện thủ tục để khai thác.

“Dự kiến đến năm 2025, An Giang cần khoảng 5 triệu m3 cát cho các công trình trọng điểm, trong khi nguồn cát đang khó khăn. Tỉnh đề nghị Chính phủ, bộ, ngành tìm thêm nguồn phân bổ hoặc vật liệu thay thế, bởi ngay công trình trọng điểm của An Giang cũng đang thiếu cát” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin.

“Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát ban quản lý dự án, dành thời gian kiểm tra, giám sát, thanh tra, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Khoáng sản, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thể chế để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm ngành GTVT, qua đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/go-kho-tang-toc-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-a395291.html