Giữ rừng dẻ trên Rú Cấm
Nhắc đến rừng dẻ ở huyện Quảng Trạch nhiều người sẽ nghĩ ngay đến xã Quảng Lưu và Quảng Thạch, nơi sở hữu cánh rừng dẻ rộng hàng nghìn ha. Nhưng có lẽ ít người biết được ở thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương cũng có một cánh rừng dẻ rộng gần 200ha, được người dân coi như báu vật. Đó là cánh rừng dẻ trên Rú Cấm, nơi hàng chục năm qua được dân làng góp lúa bảo vệ, chung tay giữ gìn từng nhành cây, ngọn lá…
Giữ rừng bằng hương ước
Chiều cuối năm, Trưởng thôn Hướng Phương Phạm Hồng Hạnh đưa chúng tôi vào sâu trong cánh rừng dẻ có tên là Rú Cấm ở phía sau làng. Mùa này, cây dẻ đang trổ bông. Khi hầu như những cánh rừng khác đều tuyền một màu xanh thẳm của lá, thì cánh rừng dẻ lại bùng lên một màu trắng sữa của hoa dẻ.
Trưởng thôn Phạm Hồng Hạnh năm nay 70 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở làng nên ông là người am hiểu nhiều về rừng dẻ trên Rú Cấm quê mình. Ông Hạnh cho hay, trước đây, những cánh rừng ở phía trên làng toàn là cây dẻ. Cách đây chừng 30 năm, những cánh rừng này là nguồn củi cho người dân khắp các xã về đốn để bán lấy tiền đắp đổi cuộc sống. Rồi nhiều người khai hoang để trồng sắn, trồng rừng bạch đàn, cánh rừng dẻ vì thế ngày càng thu hẹp lại.
Cùng với quyết sách giữ rừng của chính quyền xã Quảng Phương, thôn Hướng Phương đã ban hành hương ước để bảo vệ rừng. Hàng chục năm qua, hương ước của thôn Hướng Phương đã bao lần thay đổi nhưng vẫn dành nguyên một chương để quy ước về việc bảo vệ rừng dẻ trên Rú Cấm.
Theo ông Phạm Hồng Hạnh, tuy có đề ra mức phạt từ 100-500 nghìn đồng, nhưng hương ước của làng chú trọng hơn đến việc tuyên truyền, răn dạy. Điều đáng trân quý là nhiều năm qua, người dân Hướng Phương đều đã hiểu được những lợi ích thiết thực từ rừng dẻ mang lại mà đồng sức, đồng lòng bảo vệ tốt rừng dẻ trên Rú Cấm.
Cùng với ban hành hương ước, thôn Hướng Phương duy trì đều đặn tổ bảo vệ rừng gồm 4 thành viên. Mỗi năm, tổ bảo vệ rừng được người dân trong thôn đóng góp trả công bằng… lúa. Quy ra tiền, mỗi người được nhận khoảng 2 triệu đồng/năm. Số tiền đó tuy ít ỏi nhưng nhiều năm qua, tổ bảo vệ rừng của thôn Hướng Phương vẫn hoạt động bền bỉ, có trách nhiệm.
“Chúng tôi vẫn thường xuyên đi tuần để kiểm tra xem rừng dẻ có bị xâm hại không. Chủ yếu cũng là nhắc nhở những người vào rừng nhặt hạt dẻ khi mùa dẻ rụng phải cẩn thận, không để ảnh hưởng đến rừng và ngăn chặn những người ở các nơi khác vào rừng săn bắn chim, thỏ, chồn… Riêng với người trong thôn thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm, bởi chính họ đã chắt chiu thóc gạo đóng góp cho chúng tôi giữ rừng, nên họ hiểu mình cũng phải tự giác giữ gìn để rừng dẻ trên Rú Cấm trường tồn mãi mãi…”, ông Cao Xuân An, người có thâm niên hơn 20 năm trong tổ bảo vệ rừng thôn Hướng Phương chia sẻ.
"Lá phổi xanh" của thị trấn tương lai
Hương ước thôn Hướng Phương vừa được ban hành năm 2024 ghi rõ: Rừng dẻ tự nhiên ở Rú Cấm là rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích 185ha, là nguồn sinh thủy cho 2 hồ chứa nước Đồng Vạt và Chọ Việt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Vì vậy, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ, cấm chặt phá, khai thác các loại cây rừng dưới mọi hình thức.
Đồng lòng tuân theo “lệ làng”, rừng dẻ ở Rú Cấm ngày càng được bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển tốt. Có lẽ không ai thấm thía hơn ông Cao Xuân An về những lợi ích mà rừng dẻ đã đem lại cho gia đình ông. Là một người lính hải quân, năm 1985, khi xuất ngũ trở về địa phương, ông An đã lặn lội lên khai hoang vỡ đất cạnh rừng dẻ để làm nương rẫy.
Vậy nhưng ngày ấy, rừng dẻ đang bị tàn phá nặng nề, nương rẫy của gia đình ông không phát triển được vì thiếu nước. Khi xã ra quyết sách, thôn lập hương ước giữ rừng dẻ, ông An đã xung phong tham gia tổ bảo vệ, tự nguyện bảo vệ rừng cho đến nay.
Khi rừng dẻ tái sinh, nguồn nước dồi dào trở lại, cây cối trong trang trại của ông cũng phát triển tốt tươi. Cùng với chăn nuôi trâu bò, mỗi năm gia đình ông đã có nguồn thu nhập khá. Nhờ đó mà vợ chồng ông đã nuôi dạy 9 người con ăn học thành tài, trong đó có 7 người tốt nghiệp đại học.
Cuối đông, khi hầu như những cánh rừng tuyền một màu xanh thẳm của màu lá thì cánh rừng dẻ lại bùng lên một màu trắng sữa. Bởi thời gian này đang là mùa ra hoa của cây dẻ. Cây dẻ cũng là một loài cây rất kỳ lạ, nó ra hoa từ cuối năm nay nhưng không kết trái ngay mà nhụy hoa “ngậm lại”, mình trong những kẻ lá và phải đợi đến mùa thu sang năm, tức là khoảng hơn 9 tháng, từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt dẻ non.
Quá trình ấy cứ như vòng đời của thai nhi trong bụng mẹ. Cứ như dẻ cũng mang nặng đẻ đau 9 tháng như người phụ nữ. Cái chùm quả dẻ non ấy lớn dần trong nắng ấm. Đến khi chớm vào mùa đông thì hạt dẻ đã cứng cáp lắm, lại được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, cho đến khi hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, tự rơi xuống đất. Cây dẻ thả mầm sống đã “mang nặng đẻ đau” 9 tháng ấy xuống đất, hào phóng ban tặng cho con người một mùa nhặt hạt dẻ ấm no.
Không chỉ gia đình ông An, bây giờ, người dân thôn Hướng Phương đã coi cánh rừng dẻ trên Rú Cấm như một kho báu thực sự. Mỗi năm, khi rừng dẻ cho hạt, hầu như người dân nào trong thôn cũng tranh thủ vào rừng để nhặt “lộc rừng”. Thống kê chưa đầy đủ, những năm được mùa, người dân Hướng Phương nhặt được hàng trăm tạ hạt từ rừng dẻ, thu về hàng tỷ đồng.
Chị Trần Thị Hoa ở thôn Hướng Phương cho biết, mùa dẻ thường đúng vào những ngày nông nhàn nên năm nào chị cũng vào rừng nhặt hạt về bán. Nếu chịu khó, mỗi mùa dẻ, chị cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng. Số tiền đó đủ để mua giống, phân bón gieo trồng cho vụ lúa mới, mua quần áo mới cho con trong dịp Tết.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt cho hay, địa phương đang trong quá trình xây dựng để trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Quảng Trạch. Vì vậy, cùng với cánh rừng trâm bầu ở thôn Đông Dương, rừng dẻ ở thôn Hướng Phương đang được bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành “lá phổi xanh” của đô thị trung tâm huyện trong tương lai.
Còn với người dân thôn Hướng Phương, ai ai cũng ý nguyện, đồng sức, đồng lòng bảo vệ rừng dẻ trên Rú Cấm, sống một cách khoan hòa và biết trân trọng thiên nhiên. Bù lại, rừng dẻ mang lại cho họ nhiều ân tứ. Rừng dẻ mở rộng vòng tay che chở con người khi xảy ra biến cố. Rừng dẻ cũng giúp đất đai tươi tốt và chắt nguồn nước mát lành tưới tắm đồng ruộng, giúp bao đời người sinh sôi.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202501/giu-rung-de-tren-ru-cam-2223634/