Giữ lửa ấm gia đình từ những bữa cơm chung

Khi nhắc về gia đình, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh bữa cơm có đủ đầy các thành viên. Ngôi nhà có ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung sống - từ lâu đã là hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho sự gắn kết đầm ấm của gia đình. Ngày nay, nhiều gia đình vì cuộc mưu sinh nhưng vẫn cố gắng giữ gìn bữa cơm gia đình trong nhịp sống bộn bề, hối hả.

Vợ chồng anh Trương Xuân Anh Khoa và chị Trương Hoàng Ngọc, ở Khóm 4, Phường 4, thành phố Sóc Trăng đều là công chức, ngày làm việc 8 tiếng. Không sống cùng cha mẹ, mọi việc nhà và chăm lo các con, anh chị đều tự sắp xếp, chia sẻ cùng nhau. Mỗi buổi trưa sau giờ làm việc, chỉ có vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi trước khi trở lại cơ quan, anh chị vẫn tranh thủ thời gian vào bếp, cùng các con ăn cơm, chuyện trò. Căn bếp trưa nào cũng rộn ràng tiếng nói cười.

Chị Trương Hoàng Ngọc, ở Khóm 4, Phường 4, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) và các con chuẩn bị cơm trưa.

Chị Trương Hoàng Ngọc, ở Khóm 4, Phường 4, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) và các con chuẩn bị cơm trưa.

Là một người vợ, người mẹ, chị Ngọc luôn muốn chăm sóc gia đình mình chu đáo. Những bữa cơm chung chính là khoảng thời gian chị có thể dạy các con nhiều điều, từ việc bếp núc, vun vén gia đình đến những bài học cuộc sống. Anh Khoa cũng đồng quan điểm với vợ. Anh cho rằng, trong bữa cơm gia đình, ngoài việc thưởng thức những món ăn ngon thì còn là dịp mọi người chia sẻ được những buồn vui cùng nhau. Đặc biệt, bữa cơm gia đình có một hương vị mà những bữa cơm khác không có được.

Hương vị đặc biệt mà anh Khoa nhắc đến, có lẽ cũng là cảm nhận của rất nhiều người về bữa cơm gia đình. Đó là vị nhà. Vị ngon không đến từ thực phẩm hay gia vị mà đến từ những yêu thương, chăm chút được nêm vào từng bữa ăn. Hương vị mà rất nhiều người xa nhà, xa quê thấy nhớ da diết, cồn cào. Vị nhà cũng đến từ chính những câu chuyện nơi bàn ăn, những câu đùa, những lời hỏi han nhau. Đó là sợi dây vô hình gắn kết những thành viên trong gia đình.

Bữa cơm gia đình của ông Ngô Hoàng Cảnh, ở Khóm 8, Phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Bữa cơm gia đình của ông Ngô Hoàng Cảnh, ở Khóm 8, Phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Với gia đình ông Ngô Hoàng Cảnh, ở Khóm 8, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, bữa cơm gia đình là truyền thống đã được duy trì từ lâu nay. Là một gia đình ba thế hệ cùng chung sống, mỗi người một công việc khác nhau, nhưng bữa cơm chung luôn được coi trọng. Thành viên nào bận việc về trễ thì gọi báo cho mọi người hay. Cả nhà cùng chờ cơm. Có những hôm phải đến hơn 7 giờ tối, bữa cơm chung mới diễn ra.

Trân trọng truyền thống, nhưng ông cũng thấu hiểu cho những khó khăn của các con, nhiều khi không thể về nhà vào giờ cơm. Điều ông mong muốn là các con cố gắng giữ gìn truyền thống, để các thế hệ sau cũng có những bữa ăn chung thường xuyên cùng nhau. Bởi theo ông, đó chính là cách giữ lửa ấm trong nhà. Ông Cảnh cho rằng: “Bữa cơm gia đình là nơi vợ chồng có thể chia sẻ cùng nhau, hôm nay tôi đi làm, bà đi làm có việc gì, ra sao, công việc, cuộc sống của các con thuận lợi, khó khăn thế nào. Từ những bữa cơm chung mình cũng giáo dục con cái điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Có nhiều khi mình nóng nảy thì các con cũng góp ý cho mình, để mình nhìn lại mình sửa ngay”.

Nhịp sống hối hả, guồng quay công việc, sức hút của các hình thức giải trí hiện đại, sự phụ thuộc vào công nghệ,… có nhiều nguyên nhân phía sau câu chuyện mất kết nối giữa các thế hệ. Và những bữa cơm chung cũng thưa thớt dần. Để duy trì bữa cơm chung ấy, không chỉ là nỗ lực của riêng cá nhân nào. Nó là sự cố gắng của mỗi thành viên trong gia đình.

Chị Ngô Hoàng Mỹ Duyên (con gái của ông Ngô Hoàng Cảnh) chia sẻ: “Đối với người trẻ hiện nay có rất nhiều thứ chi phối, công việc đan xen, chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nên có thể chúng ta quên đi bữa cơm trong gia đình. Bữa cơm chung giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình với nhau. Sau một ngày làm việc vất vả, về nhà, có thể kể cho ba nghe công việc hôm nay, có thể kể cho mẹ nghe những bận rộn hôm nay. Đối với tôi điều đó rất quan trọng”.

Một bữa cơm chung, những buổi tối sinh hoạt trong cùng một không gian, những câu chuyện, những quan tâm chân thành, dẫu nhỏ bé, dẫu bình dị nhưng chính là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình. Cuộc sống vốn dĩ được làm nên từ những điều bình dị. Và đắp xây, gìn giữ một gia đình cũng chính từ việc giữ lửa yêu thương, giữ cho những câu chuyện được tiếp nối mỗi ngày.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/202507/giu-lua-am-gia-dinh-tu-nhung-bua-com-chung-55405f5/