Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng - Kỳ 1: Bài toán nan giải

Trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, sau khi các lực lượng chức năng ra quân xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tình trạng này có thuyên giảm. Song chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng này lại có dấu hiệu tái diễn trở lại. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này?

Nhiều người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng tại đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Duy Anh

Vỉa hè chưa được sử dụng đúng chức năng

“Vỉa hè” (hoặc “lề đường”) thường được định nghĩa như một phần của hệ thống giao thông đường bộ. Đây là một phần của đường được thiết kế để phục vụ cho việc đi lại và hoạt động của người đi bộ và phương tiện giao thông phi động khác. Vỉa hè thường nằm ở bên cạnh phần đường dành cho giao thông xe cộ và được chia thành các vùng hoặc khu vực khác nhau để phục vụ cho nhiều mục đích.

“Lòng đường" (còn gọi là "bề mặt đường" hoặc "mặt đường") được định nghĩa là phần của đường bộ hoặc đường phố - nơi mà các phương tiện giao thông di chuyển trên đó.

Còn theo như định nghĩa trong “sách giáo khoa”, căn cứ cơ sở quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Mục II Phần 1 Thông tư 04/2008/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2009/TT-BXD, đường đô thị (hay đường phố) là đường bộ nằm trong phạm vi nội thành, nội thị, được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến”.

Tuy nhiên trên thực tế tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay, lòng đường và vỉa hè chưa được sử dụng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của nó mà đang bị biến tướng, xâm hai.

Cụ thể là nhiều trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, các điểm trông giữ phương tiện không đúng quy định,… Tất cả những điều này đều gây nên tình trạng xáo trộn giao thông tại nhiều tuyến đường.

Một cửa hàng bán hoa quả bày hàng tràn kín phần vỉa hè, người mua phải dừng xe dưới lòng đường để mua hàng hóa, tại đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Duy Anh

Những vấn đề khi vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm

Một trong những hình ảnh thường được nhìn thấy ở trên vỉa hè đó chính là những gánh hàng rong, những quán cóc, hàng nước chè, những chiếc xe dừng đỗ vô phép trên vỉa hè, dưới lòng đường,… Một trong những điều nhức nhối khi vỉa hè bị lấn chiếm đó là người đi bộ bị chiếm mất phần diện tích mà đáng nhẽ họ được sử dụng để đi lại nay buộc lòng phải đi bộ dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.

Chị N.T.H (30 tuổi, đang sinh sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ở khu vực chị đang sinh sống hiện nay, cụ thể là khu vực phố Lĩnh Nam có đặc điểm là phần diện tích vỉa hè vốn đã ít, nhưng lại có nhiều người lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh hàng quán, rồi làm chỗ để xe ô tô, xe máy rất nhiều,… khiến việc di chuyển đi lại dành cho người đi bộ vốn đã khó nay càng thêm khó khăn hơn.

Vì không gian để đi lại trên vỉa hè rất eo hẹp nên không chỉ riêng chị Đ.T.V.A mà nhiều người khác đang sinh sống tại khu vực này thường xuyên phải đi cả xuống lòng đường mỗi khi đi lại, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chị Đ.T.V.A cũng cho biết thêm, quanh khu vực chị sống có một số trường học cấp 2 và Đại học, vào thời điểm tan học, trừ các trường hợp có phụ huynh đưa đón thì không nói, nhưng cũng có nhiều trường hợp các em học sinh, sinh viên sinh sống gần trường tự đi về, phải đi dưới lòng đường trong khi lượng xe cộ tham gia giao thông là rất đông, có cả xe tải, xe container,… rất nguy hiểm!”.

Không chỉ người đi bộ mới kêu khổ, những người điều khiển ô tô, xe máy cũng chẳng sung sướng gì hơn. Ông Đ.D.T (58 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết, bản thân mình là một tài xế công nghệ nên thường xuyên phải di chuyển trên đường, cũng vì vậy mà anh đã gặp không ít vấn đề liên quan đến câu chuyện lòng đường, vỉa hè.

Ông Đ.D.T cho biết, một trong những vấn đề mà anh gặp thường xuyên và cũng là khó chịu nhất đó là nhiều phương tiện cả ô tô lẫn xe máy cứ vô tư dừng, đỗ giữa đường gây cản trở giao thông, đặc biệt là vào khung giờ tan tầm.

“Ám ảnh” nhất với ông T có lẽ là những lần đi qua đoạn phố Vĩnh Hưng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà gặp phải xe tải đang dừng để chuyển hàng hóa vào siêu thị thì xác định là các phương tiện bị sẽ bị ùn ứ cả một đoạn dài trong khoảng 15 - 20 phút.

“Đoạn phố Vĩnh Hưng này đường rất bé, trong tầm giờ cao điểm chỉ cần một chiếc xe ô tô dừng lại thôi là sẽ khiến giao thông bị “tê liệt” luôn. Vậy mà có nhiều người vẫn “vô tư” dừng, đỗ để trả hàng hóa…” - ông T chia sẻ.

Ngoài ra, ông T cho biết thêm, dọc con phố Vĩnh Hưng này cũng có một số cửa hàng, chợ cóc mọc lên. Không biết có được phép hay đúng quy hoạch không, chỉ biết là mỗi lần có người dừng, đỗ để “đi chợ” cũng khiến giao thông bị ảnh hưởng. Thậm chí, có người khi có nhu cầu “đi chợ” còn dừng, đỗ xe rất ẩu, không để xe sát vào mép vỉa hè mà dựng “chềnh ềnh” ra giữa đường.

Mặc dù các vấn đề này đã và đang được TP Hà Nội quan tâm, tìm cách chấn chỉnh, tháo gỡ, nhưng liệu có hiệu quả?

(Còn nữa)

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giu-long-duong-via-he-thong-thoang-ky-1-bai-toan-nan-giai-356896.html