Giữ hồn gốm cổ của người M'nông r'lâm

Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được xem là nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn nghề làm gốm cổ của người M'nông Rlâm – là nghề từng rất hưng thịnh. Đến nay, trải qua nhiều đời, vẫn còn nhiều người M'nông giữ gìn nét độc đáo của nghề truyền thống này.

Để chế tác đồ gốm theo cách cổ xưa, những nghệ nhân người M’Nông R’lâm phải sử dụng loại đất sét được lấy ở nơi có nước sạch thì khi nung đất mới không bị nứt, bể. Đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn.

Gốm cổ của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, rồi lấy que tre để tạo hoa văn. Thân cây, cái chày, thanh tre, cọng đót, hòn sỏi, mảnh vải... đều có thể dùng làm công cụ chế tác gốm. Sau khi phơi khô gốm được nung lộ thiên.

Từ khi gốm công nghiệp phổ biến, nơi đây, chỉ còn khoảng 4 hộ dân còn giữ nghề làm gốm cổ, đa số là phụ nữ. Gần đây, nghề này cũng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Mặc dù nghề làm gốm cổ nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị mai một nhưng những người phụ nữ này vẫn miệt mài hằng ngày làm gốm. Những sản phẩm gốm cổ hiện cũng rất đa đạng, từ chén bát, nồi đất, ché rượu… đến con voi, con trâu, bình hoa để phù hợp với nhu cầu của khách hàng./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Nguyễn Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/giu-hon-gom-co-cua-nguoi-mnong-rlam