Giữ an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết năm 2024 tiếp tục phức tạp, khó lường. Ở miền Bắc, khả năng nắng nóng gia tăng về cường độ trong khi tình hình áp thấp, bão lũ ảnh hưởng đến đất liền diễn biến bất thường.

Thái Nguyên đã và đang chủ động các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi. Ảnh tư liệu

Thái Nguyên đã và đang chủ động các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi. Ảnh tư liệu

Chúng ta còn nhớ năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 12 đợt thiên tai (mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất…) xảy ra, làm 3 người chết, ước tổng thiệt hại về tài sản trên 24,3 tỷ đồng. Tác nhân chính gây ra là do hiện tượng El Nino xuất hiện và duy trì kéo dài đến cuối năm.

Còn năm nay, dự báo hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái thành La Nina, nên nguy cơ sẽ xuất hiện từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Khả năng rất cao tiếp tục xuất hiện dông, lốc, mưa đá và gió giật mạnh từ nay đến cuối năm.

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều hồ đập thủy lợi và đê điều, nên công tác phòng, chống lụt bão luôn được tỉnh quan tâm. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện Thái Nguyên có khoảng 260 hồ chứa nước lớn, nhỏ với gần 530 đập dâng các loại, đứng thứ 5 của miền Bắc và đứng thứ 9 cả nước về số lượng hồ chứa, đập dâng. Toàn tỉnh có 7 tuyến đê các loại với tổng chiều dài khoảng 48km, nằm tại 3 địa phương là TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Về công tác bảo vệ công trình thủy lợi, từ sớm, tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị quản lý 40 hồ đập lớn) và 9 huyện, thành trong tỉnh thực hiện nghiêm quy trình vận hành, đảm bảo điều tiết nước phù hợp để chủ động phòng lũ trong mùa mưa bão năm nay. Riêng đối với công trình "đại thủy nông" hồ Núi Cốc đã có phương án vận hành theo đúng quy trình được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương liên quan đến hồ Núi Cốc đang chủ động phương án 4 tại chỗ, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, giải quyết và xử lý dứt điểm theo quy định. Chính quyền các địa phương tích cực rà soát, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, các công trình hồ chứa nước để lập quy trình bảo trì và có kế hoạch tu bổ. Ngoài ra, còn chủ động bố trí nguồn kinh phí ưu tiên xử lý các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có lưu vực tập trung, dòng chảy nhanh…

Đối với các địa phương có hệ thống đê dọc sông, đã và đang tăng cường xử lý vi phạm hành lang an toàn đê, nhất là tình trạng tập kết vật liệu quy mô lớn để xây dựng công trình trái phép trên mặt đê, trên bãi sông hoặc đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ. Ngoài ra, còn tiến hành rà soát, tăng cường quản lý việc cấp phép xây dựng tại khu vực đê điều, trên cơ sở tuân thủ Luật Đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/202405/giu-an-toan-he-thong-de-dieu-thuy-loi-3f61599/