Giới đầu tư theo sát hành động của chính quyền Donald Trump
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm (6/2), với Dow Jones điều chỉnh nhẹ, trong khi S&P 500 và Nasdaq nhích lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi động thái chính sách tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một báo cáo việc làm quan trọng khác sắp được công bố.
![Ảnh minh họa: AFP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_95_51416313/29038404bc4a55140c5b.jpg)
Ảnh minh họa: AFP
Thị trường đã chứng kiến một khởi đầu ảm đạm trong tuần này, khi ông Trump công bố các mức thuế quan thương mại sâu rộng, nhưng đã bất ngờ đình chỉ thuế đối với hàng hóa từ Mexico và Canada trong một tháng.
Mặc dù vẫn còn nhiều điều không chắc chắn dưới thời chính quyền mới của ông Trump, Phố Wall đã thở phào vì mọi thứ không tồi tệ như họ đã tưởng tượng, đặc biệt là liên quan đến các biện pháp trả đũa thuế quan từ Bắc Kinh.
"Đây có thể chỉ là phút yên lặng trước khi cơn bão tới. Các động thái tiếp theo sẽ liên tục xoay quanh địa chính trị, điều này sẽ làm tăng sự biến động của thị trường", Scott Helfstein, người đứng đầu chiến lược đầu tư từ Global X ETFs cho biết.
Helfstein cho biết với việc Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định, chúng ta đang bước vào một thị trường được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản, dựa trên nền kinh tế thực hơn là các diễn biến tâm lý.
Trong khi đó, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 1/2025 sẽ được công bố vào thứ Sáu, một thước đo quan trọng trong việc đánh giá tình trạng của thị trường lao động và tác động mạnh đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed.
Các nhà giao dịch không mong đợi Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Ba, nhưng việc cắt giảm được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Sáu, theo FedWatch của CME.
Kết thúc phiên 6/2: Chỉ số Dow Jones giảm 125,65 điểm (-0,28%), xuống 44.747,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,09 điểm (+0,36%), lên 6.083,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,66 điểm (+0,51%), lên 19.791,99 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng chạm mức cao kỷ lục mới, với các công ty khai thác mỏ dẫn đầu sau một loạt các báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,17% lên 544,84 điểm, với cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản dẫn đầu với mức tăng 4%, sau khi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, ArcelorMittal, dự báo nhu cầu thép sẽ cải thiện cho năm 2025, giúp cổ phiếu tăng 13,3%, trong khi công ty khai thác mỏ Thụy Điển Boliden tăng 13% nhờ lợi nhuận cốt lõi quý IV/2024 tốt hơn dự kiến.
Cùng với đó, Aurubis đã dự báo nhanh nhuận trước thuế quý đầu tiên năm 2025 cao hơn kỳ vọng của thị trường, khiến cổ phiếu của nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Âu tăng 7,4%.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán gần Nga hơn về mặt địa lý như Áo tăng 3,4%, Ba Lan tăng 2,6% và Phần Lan tăng 1,8%, sau khi một báo cáo cho biết việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở "giai đoạn cuối cùng", làm dấy lên kỳ vọng một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột Ukraine-Nga kéo dài gần ba năm.
Trong một động thái khác, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi bất kỳ tin tức nào liên quan đến thuế quan cho Liên minh châu Âu sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tuần này.
Kết thúc phiên 6/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 103,99 điểm (+1,21%), lên 8.727,28 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 316,49 điểm (+1,47%), lên 21.902,42 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 115,94 điểm (+1,47%), lên 8.007,62 điểm.
Giá dầu thô tiếp tục điều chỉnh khi Mỹ cam kết tăng sản lượng khai thác, khiến các nhà giao dịch lo lắng hơn, khi trước đó nước này đã báo cáo lượng tồn kho dầu thô tăng cao hơn nhiều so với dự kiến.
Kết thúc phiên 6/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,42 USD (-0,60%), xuống 70,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,32 USD (-0,40%), xuống 74,29 USD/thùng.