Giới chuyên gia khẳng định vai trò trụ cột của Việt Nam đối với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045
Hạ tuần tháng 5/2025, các nhà lãnh đạo cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về 'ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta' và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng 4 chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia. Ảnh tư liệu: Đỗ Quyên/PV TTXVN tại Indonesia
Điều này thể hiện cách tiếp cận chủ động của ASEAN, không chỉ thích ứng trong thế giới nhiều biến động, mà còn vượt lên dẫn dắt bằng đoàn kết, bản lĩnh và tầm nhìn chung. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 nhấn mạnh sự đoàn kết, tự cường, chủ động, phát triển bền vững và bao trùm của ASEAN, đồng thời đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế...
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Campuchia xoay quanh sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2025), Tổng Thư ký ASEAN - Tiến sĩ Kao Kim Hourn và giới phân tích tại Phnom Penh bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác và phát triển của tổ chức khu vực này. Theo đó, Tổng Thư ký ASEAN và giới phân tích đặc biệt nhấn mạnh vai trò thúc đẩy của Việt Nam, với tư cách một thành viên trách nhiệm và tích cực ASEAN, cùng kiến tạo một cộng đồng tự cường, thịnh vượng, hòa bình, phát triển bền vững và bao trùm trên cơ sở 4 chiến lược của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định Việt Nam luôn tích cực và chủ động hỗ trợ công tác ASEAN theo nhiều cách khác nhau, thông qua kinh tế, ngoại giao, an ninh, chính trị, văn hóa - xã hội. Ông nhấn mạnh Việt Nam không chỉ có nhiều cơ hội mà còn có tiềm năng lớn.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đóng góp được rất nhiều và trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là nhân tố tích cực, hỗ trợ khối hiện thực hóa một cộng đồng ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường và lấy con người làm trung tâm. Theo ông Kao Kim Hourn, để đạt được mục tiêu này, ASEAN cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo ASEAN tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn cùng quan điểm thống nhất.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu khu vực, từ nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới vào năm 2005, ASEAN đã vươn lên vị trí thứ 5 vào năm 2023 và đang được kỳ vọng sẽ tiến lên vị trí thứ 4 vào năm 2030. Điều này có nghĩa ASEAN cần sự đóng góp quan trọng từ tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là vai trò then chốt của Việt Nam. Tổng Thư ký ASEAN tin rằng sự đóng góp tích cực của Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho riêng mình Việt Nam, mà còn cho toàn bộ khối. Một ASEAN vững mạnh, tự cường sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên và công dân của khối. Ông khẳng định: "Một Việt Nam vững mạnh đồng nghĩa với một ASEAN vững mạnh, và ngược lại".
Trong khi đó, ông Puy Kea - Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ) khẳng định Việt Nam có tiếng nói hết sức quan trọng trong khuôn khổ ASEAN, không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn nhiều vấn đề khác. Cũng như các nước thành viên khác, Việt Nam luôn có tầm nhìn về phương thức vận hành và hướng đi của ASEAN, cũng như các giải pháp liên kết trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, vốn là yếu tố "sống còn" của người dân trong khu vực. Ông Puy Kea khẳng định Việt Nam có tầm nhìn quan trọng trong nhiều vấn đề, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông - “vấn đề thường xuyên được Việt Nam đưa ra, thể hiện giải pháp chung của ASEAN trong mọi diễn đàn”.
Cùng chia sẻ góc nhìn về vấn đề Biển Đông, Thạc sĩ Thong Mengdavid - chuyên gia phân tích địa chính trị khu vực và an ninh quốc tế, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách công (IISPP), Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) - cho rằng Việt Nam có thể giúp ASEAN duy trì sự trung lập và gắn kết trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các đối tác liên quan với Trung Quốc nhằm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần bình đẳng, vì lợi ích chung của các bên.
Để hỗ trợ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, ông Thong Mengdavid đề xuất Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự đoàn kết và tự chủ chiến lược của ASEAN bằng cách đấu tranh cho vai trò trung tâm của khối, cùng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ và các cơ chế hiện có như Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đi sâu phân tích từng lĩnh vực cụ thể, chuyên gia người Campuchia cho rằng về kinh tế, Việt Nam cần tăng cường vai trò thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, các sáng kiến kinh tế xanh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, bằng cách điều hướng chính sách phù hợp với Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN, trở thành một cộng đồng kinh tế cạnh tranh và sáng tạo.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể trở thành một chủ thể chủ chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong ASEAN bằng cách chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và quản trị sông Mekong, cũng như đóng góp vào tiến trình xây dựng một khu vực ASEAN bền vững, có khả năng thích ứng với những biến động của bối cảnh toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tham gia rút ngắn khoảng cách phát triển và tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của người dân bằng cách củng cố hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy hợp tác khu vực đối với bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, phù hợp với Tuyên bố ASEAN về Tăng cường hệ thống an sinh xã hội.
Theo chuyên gia Thong Mengdavid, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển theo hướng lấy con người làm trung tâm, hỗ trợ giáo dục, đào tạo lực lượng lao động và hợp tác thanh niên trong khu vực thông qua việc thành lập các trung tâm đào tạo nghề và kỹ thuật, cung cấp học bổng cho sinh viên trong khu vực... Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn nhân lực, bản sắc và phát triển kỹ năng tay nghề trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và nhu cầu lao động lành nghề trong tương lai.
Chuyên gia Thong Mengdavid khẳng định những nội dung trên chính là những cơ chế quan trọng để Việt Nam đề ra các chính sách phát triển quốc gia và chính sách đối ngoại mang tính chiến lược, linh hoạt, thông minh, phù hợp với bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu khó đoán định. Ông nhấn mạnh: “Đó cũng là những rường cột và cơ chế cốt lõi của ASEAN trong việc kiến tạo một cộng đồng tự cường, thịnh vượng, hòa bình và phát triển bao trùm cho thế hệ tương lai”.