Gìn giữ điệu chèo quê hương
Trong trái tim mỗi người con xa xứ, quê hương luôn là tiếng gọi thiêng liêng sâu thẳm nhất. Với những người con Thái Bình đến sinh sống và làm việc tại ấp 3, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, họ đã thể hiện tình yêu và niềm tự hào quê hương một cách rất đặc biệt qua Câu lạc bộ (CLB) chèo Hương Trà.
Những làn điệu chèo truyền thống của quê hương Thái Bình đã thấm sâu vào tâm hồn bà Phạm Thị Muộn ở ấp 3, xã Minh Thành (Chủ nhiệm CLB chèo Hương Trà) ngay từ những ngày thơ bé. Bà Muộn mê chèo, bởi chèo có trong lời ru của mẹ, trong không khí "ra đình xem hội" đầy náo nhiệt... Rời Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp, bà vẫn yêu chèo, hát chèo mỗi ngày.
Cách đây 20 năm, bà thành lập CLB chèo và hoạt động được một thời gian. Đây là tiền đề cho CLB chèo Hương Trà sau này. Dù khi lao động mệt nhọc hay những lúc rảnh rỗi, chèo luôn là người bạn thân thiết với bà Muộn. Để thông thuộc các điệu chèo từ truyền thống đến hiện đại, bà thường xuyên lên các trang mạng để tìm hiểu và ghi chép lại cẩn thận.
Năm 2018, bà Muộn cùng các đồng hương tại ấp 3, xã Minh Lập thành lập CLB chèo Hương Trà. CLB hiện có gần 20 thành viên, thường xuyên sinh hoạt, luyện tập cùng nhau vào cuối tuần. Mỗi buổi sinh hoạt của CLB đều tràn ngập không khí rộn ràng, các thành viên hướng dẫn nhau để những câu hát thêm ngọt ngào, say đắm, những điệu múa thêm nhuần nhuyễn. “Thành viên CLB chủ yếu trên 55 tuổi, cùng nhau sinh hoạt, tập luyện chèo để sống vui, sống khỏe mỗi ngày. Chúng tôi hát về quê lúa Thái Bình với bao nhung nhớ, hát về Bình Phước với khát khao đổi mới, phát triển từng ngày…” - bà Muộn cho biết.
Với các thành viên CLB, chèo vừa là cách để gìn giữ và nhớ về nét đẹp truyền thống quê hương vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân địa phương. Có cha từng tham gia gánh hát chèo ở Thái Bình, vì vậy, với bà Phạm Thị Lụa ở ấp 3 (thành viên CLB chèo Hương Trà), chèo như là người thân trong gia đình. Vào Bình Phước sinh sống và mang theo niềm đam mê hát chèo, khi biết đến CLB chèo Hương Trà, bà Lụa đã tham gia đến nay được 4 năm. “Từ ngày tham gia CLB chèo, tôi thấy trong người khỏe khoắn và tươi tắn hơn vì được thỏa mãn đam mê với nghệ thuật sau những giờ làm việc vất vả. Chúng tôi tập luyện rất hăng say, có khi quên cả thời gian. Tất cả thành viên đều hòa đồng và dễ mến, người biết hướng dẫn người chưa biết để CLB cùng nhau phát triển” - bà Lụa chia sẻ.
Cũng ở ấp 3, ông Phạm Văn Sửu là thành viên tích cực của CLB. Ông tâm sự: “Chúng tôi luôn cố gắng đầu tư để mỗi tiết mục được tươm tất nhất có thể. Từ trang thiết bị, nhạc cụ đến trang phục đều do các thành viên tự mua sắm. Đó cũng là động lực để chúng tôi tập luyện hăng hái hơn”. Ông Sửu cho hay, dù không tham gia các cuộc thi chuyên nghiệp nhưng hằng năm, CLB đều nhận được lời mời đi giao lưu với các đơn vị trên dưới 10 lần. Ngoài ra, CLB cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện ở địa phương.
Sâu thẳm trong tâm hồn các thành viên CLB chèo Hương Trà là khát khao được truyền dạy những làn điệu chèo truyền thống đến lớp trẻ
Trong cuộc sống hiện đại với rất nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện, tuy nhiên những bộ môn nghệ thuật truyền thống vẫn được người dân chủ động gìn giữ và phát huy. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân mà còn bảo tồn di sản quý báu mà ông cha để lại. Không thù lao, lương bổng nhưng niềm đam mê đối với nghệ thuật truyền thống vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, trở thành điểm chung gắn kết các thành viên CLB chèo Hương Trà. Và sâu thẳm trong tâm hồn họ là khát khao được truyền dạy những làn điệu chèo quê hương để thế hệ trẻ lưu giữ, bảo tồn và phát triển cũng như đưa nghệ thuật chèo ngày càng khẳng định vị trí, sức sống trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi chuyến giao lưu, mỗi buổi biểu diễn với các thành viên CLB chèo Hương Trà chính là cơ hội để lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/166366/gin-giu-dieu-cheo-que-huong