Giáo sư Nguyễn Minh Đoan và hành trình biên soạn SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật

Để học sinh có thể dễ hiểu, dễ nhớ, đội ngũ biên soạn SGK phải trình bày sao cho thật đơn giản, gần gũi nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác và khoa học.

Phía sau mỗi cuốn sách giáo khoa là những tháng ngày âm thầm của cả một tập thể miệt mài với con chữ và trách nhiệm dành cho thế hệ học sinh. Với môn học mang tính hàn lâm cao như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, việc truyền tải nội dung sao cho chính xác mà vẫn dễ tiếp cận người học là thách thức không nhỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan - đồng chủ biên sách giáo khoa và chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 và 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) là một trong những người đã dành trọn tâm huyết cho công việc ấy, lặng lẽ cùng nhóm tác giả vượt qua áp lực, đóng góp vào những trang sách có chiều sâu và phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông.

Hiện, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan là giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Viết dễ hiểu để kiến thức đến với học sinh một cách gần gũi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan cho biết, quá trình biên soạn sách giáo khoa kéo dài khoảng 1 năm với nhiều vòng chỉnh sửa, thẩm định.

Vị giáo sư chia sẻ: “Tham gia biên soạn sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11, 12 là lần đầu tiên tôi biên soạn sách dành cho học sinh phổ thông. Các cuốn sách này có lẽ là những công trình tôi dốc nhiều tâm sức nhất.

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và biên soạn giáo trình cho sinh viên đại học, ban đầu, tôi cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.

Điểm khó trong quá trình biên soạn sách không nằm ở việc nắm bắt nội dung, mà là cách thể hiện sao cho chuyển tải kiến thức mạch lạc, phù hợp với người học trên mọi vùng miền của đất nước”.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan - đồng chủ biên sách giáo khoa và chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 và 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: NVCC - Thiết kế: HM

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan - đồng chủ biên sách giáo khoa và chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 và 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: NVCC - Thiết kế: HM

Nhớ lại giai đoạn áp lực nhất, thầy Đoan cho biết, đó là lúc bản thảo vừa hoàn thiện theo hướng nhóm cho là hợp lý, song lại nhận được góp ý của hội đồng thẩm định sách cho rằng nội dung chưa phù hợp với học sinh, buộc nhóm tác giả phải chỉnh sửa từ đầu.

“Lúc đầu, chúng tôi viết theo tư duy của mình, nghĩ rằng như thế là hợp lý, là hay. Nhưng sau khi đọc, hội đồng thẩm định sách góp ý rằng cách viết như vậy giống giáo trình đại học, quá nặng, quá sâu, không phù hợp với học sinh.

Kiến thức về kinh tế, pháp luật vốn đã nặng về học thuật và mang tính hàn lâm, để học sinh có thể dễ hiểu, dễ nhớ, đội ngũ biên soạn sách phải trình bày sao cho thật đơn giản, gần gũi nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác và khoa học. Có những nội dung tôi rất tâm đắc nhưng cuối cùng vẫn phải lược bỏ hoặc viết lại theo hướng khác.

Để điều chỉnh sách, chúng tôi chủ động xin ý kiến từ các giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ở trường trung học phổ thông. Bên cạnh đó, chúng tôi còn trực tiếp đến trường học để tham dự, quan sát giờ học của học sinh về môn học này. Việc tham khảo ý kiến từ thực tiễn giúp nhóm điều chỉnh nội dung sách phù hợp hơn với đối tượng người dạy và người học.

Ngoài ra, việc đưa các ví dụ minh họa thực tiễn vào sách cũng không hề đơn giản. Theo yêu cầu, những tình huống đưa vào sách phải có nguồn trích dẫn rõ ràng từ báo chí hoặc tài liệu đã xuất bản. Bên cạnh đó, đối với những ví dụ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu đặt ra là tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến bất kỳ cá nhân nào (đặc biệt là học sinh), không gây tổn hại đến uy tín của tổ chức hay quốc gia cụ thể. Do đó, chúng tôi lại phải tìm kiếm rất nhiều tài liệu, chọn lọc ví dụ sao cho phù hợp với nội dung và yêu cầu”, vị chủ biên bày tỏ.

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng theo thầy Đoan, đó là một phần tất yếu trong quá trình làm sách, vốn đòi hỏi sự chỉn chu, linh hoạt và tinh thần cầu thị.

Thầy Đoan ví việc biên soạn sách giáo khoa như một cuộc “đánh vật” với con chữ để lọc ra cách thể hiện ngắn gọn nhưng không làm mất đi chiều sâu nội dung. Không chỉ riêng thầy, mà cả nhóm tác giả đều trải qua quá trình làm việc căng thẳng, tỉ mỉ. Nhóm biên soạn liên tục sửa chữa, đọc lại, góp ý cho nhau từng chi tiết nhỏ nhất. Với vai trò đồng chủ biên, thầy Đoan không chỉ đọc kỹ phần bản thân phụ trách, mà còn rà soát nội dung do các đồng nghiệp biên soạn. Ngược lại, thầy cũng chủ động nhờ họ phản biện phần mình viết để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ cuốn sách.

Trong quá trình biên soạn sách, nhóm tác giả phải hy sinh đáng kể quỹ thời gian cá nhân. Đặc biệt là thời điểm sau khi hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra yêu cầu chỉnh sửa trong thời gian ngắn. Nhiều thầy cô phải phải làm việc suốt đêm để kịp nộp lại bản chỉnh sửa, đảm bảo sách được thông qua đúng thời hạn.

“Đối với người biên soạn sách giáo khoa, việc sắp xếp thời gian đòi hỏi sự linh hoạt cao độ. Tôi phải cân đối công việc sao cho hợp lý, không làm được ban ngày thì tranh thủ làm ban đêm, không làm được ban đêm thì tận dụng thời gian rảnh bất cứ lúc nào có thể. Chúng tôi xác định rõ công việc nào quan trọng hơn thì ưu tiên xử lý trước.

Có khi nội dung trong sách đang cần gấp, tôi phải xin phép nhà trường vắng mặt trong một số cuộc họp không quá quan trọng để đến nhà xuất bản xử lý công việc”, vị giáo sư tâm sự.

 Đội ngũ biên soạn, biên tập trong quá trình biên soạn sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: NVCC

Đội ngũ biên soạn, biên tập trong quá trình biên soạn sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: NVCC

Bên cạnh những khó khăn, thử thách, quá trình biên soạn sách cũng để lại cho thầy Đoan và nhóm tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Thầy Đoan kể: “Có thời điểm nhóm tác giả quyết định rời Hà Nội, đến một khu vực yên tĩnh ở tỉnh khác để tập trung làm việc. Ở đó, chúng tôi chỉ chuyên tâm vào biên soạn sách và trao đổi. Chúng tôi cùng ngồi thảo luận từng bài một: bài này nên trình bày ra sao, bài kia cần chỉnh sửa thế nào, nhất là việc thay các câu, chữ, tình huống, ví dụ minh họa sao cho chính xác và phù hợp nhất với đời sống thực tiễn. Không khí làm việc vừa nghiêm túc, vừa gần gũi”.

Đặc biệt, với thầy Đoan, giây phút nhìn cuốn sách hoàn chỉnh sau một hành trình đầy áp lực và thử thách là lúc mang lại cho thầy niềm hạnh phúc lặng lẽ nhưng sâu sắc nhất.

“Tôi nhớ nhất lần gặp và trò chuyện với một giáo viên dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, giáo viên này bày tỏ rất thích cách thể hiện của sách giáo khoa mới, dễ tiếp cận và phù hợp với giảng dạy thực tế. Đó là khoảnh khắc tôi cảm nhận rõ nhất giá trị thực tiễn của cuốn sách mà chúng tôi đã dày công biên soạn”, thầy Đoan nói.

Tâm huyết gửi vào từng bài học, vì một thế hệ công dân vững kiến thức pháp luật

Sau quá trình biên soạn sách giáo khoa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan cho rằng, điều quan trọng nhất của người làm sách là tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị. Người viết sách không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải sẵn sàng tiếp nhận góp ý dù đôi khi đó là những ý kiến trái chiều, và không ngại thay đổi vì mục tiêu chung.

“Ban đầu, khi nhận góp ý từ hội đồng thẩm định, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác tự ái. Bởi lẽ, sau bao nhiêu nỗ lực, tâm huyết, ai cũng nghĩ bản thảo của nhóm đã hay và phù hợp. Nhưng khi nhìn nhận lại, chúng tôi hiểu rằng mọi nhận xét đều nhằm mục tiêu chung: làm cho cuốn sách tốt hơn. Mỗi người nhìn vấn đề dưới một khía cạnh riêng, khi biết tiếp thu và chắt lọc những điều hợp lý, cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn”, vị chủ biên cho hay.

 Sách giáo khoa và Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan đồng chủ biên. Thiết kế: HM

Sách giáo khoa và Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan đồng chủ biên. Thiết kế: HM

Theo thầy Đoan, bên cạnh việc đổi tên môn học từ Giáo dục công dân thành Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, sách giáo khoa mới còn có nhiều điểm đổi mới về nội dung và chương trình giảng dạy.

Nội dung trong sách được xây dựng phong phú hơn, dung lượng cũng nhiều hơn so với sách giáo khoa theo chương trình cũ. Đặc biệt, một số nội dung trong sách giáo khoa mới đặt ra yêu cầu cao hơn cho học sinh.

Với học sinh có dự định theo học các ngành liên quan đến luật ở đại học, nếu tiếp thu tốt nội dung trong sách mới, nhất là phần kiến thức pháp luật, thì khi vào đại học, các em sẽ có lợi thế rất lớn.

Đối với học sinh không theo học ngành luật, chương trình trong sách Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cung cấp đầy đủ kiến thức pháp luật nền tảng mà bất kỳ công dân nào cũng cần nắm được.

Nội dung sách không chỉ bao quát kiến thức pháp luật trong nước mà còn mở rộng sang các vấn đề pháp luật quốc tế, bao gồm cả những nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này phù hợp với xu thế chung của xã hội, khi yêu cầu về hiểu biết pháp luật đối với người dân ngày càng cao.

Với thầy Đoan, bài học thầy tâm đắc nhất trong sách là các bài học về quyền bình đẳng. Các vấn đề như bình đẳng giữa công dân, giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo được thể hiện rõ ràng, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về giá trị và ý nghĩa của quyền bình đẳng trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, vị giáo sư nhấn mạnh vai trò của người dạy học: “Một yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuốn sách giáo khoa là đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp truyền tải tri thức. Chính họ là cầu nối giữa nội dung sách và học sinh, là người biến kiến thức trên trang giấy thành bài học sống động và gần gũi trong lớp học”.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ, vị chủ biên cho rằng vai trò của người viết sách giáo khoa ngày càng trở nên quan trọng. Sách giáo khoa không chỉ đơn thuần là tài liệu dạy học mà còn góp phần định hình tư duy, kiến thức và giá trị cho thế hệ trẻ. Vì vậy, quá trình biên soạn sách đòi hỏi sự rà soát kỹ lưỡng, cẩn trọng đến từng chi tiết.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiêm túc cho công tác biên soạn là điều bắt buộc nếu muốn đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhớ lại quá trình làm việc cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thầy Đoan cho biết nhóm biên soạn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều bộ phận của nhà xuất bản như đội ngũ biên tập, họa sĩ minh họa…

Với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, hành trình biên soạn sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là sự kết hợp giữa chuyên môn, trách nhiệm và tâm huyết. Sách giáo khoa là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết từ nhiều cá nhân, với mục tiêu chung vì một nền giáo dục tiến bộ, vì thế hệ trẻ Việt Nam và cùng phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-su-nguyen-minh-doan-va-hanh-trinh-bien-soan-sgk-giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-post252572.gd