Giáo dục thế hệ trẻ từ nét văn hóa dân gian Tết
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức trên toàn tỉnh tạo nên một bức tranh ngày Tết sống động, đa sắc màu. Các tầng lớp nhân dân và du khách đã có nhiều trải nghiệm trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những hoạt động này cũng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn, trân trọng giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc trong xu thế mới.
Gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống
Từ 7 giờ sáng ngày mồng 3 tết Ất Tỵ, nhiều người dân ở thôn Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh) và du khách có mặt tại Nhà văn hóa thôn để vui chơi và cảm nhận nét đẹp văn hóa dân gian trong hội bài chòi truyền thống. Với mỗi người dân nơi đây, bài chòi đã thấm sâu vào máu thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.
Háo hức mong chờ giờ khai mạc, em Nguyễn Ngọc Dũng, 15 tuổi, ở thôn Đơn Duệ vui vẻ nói: “Từ nhỏ, em đã được ba mẹ đưa đi xem hội bài chòi vào mỗi dịp Tết đến. Em thấy bài chòi hấp dẫn bởi đây là hoạt động văn hóa dân gian mà tất cả mọi người đều có thể tham gia. Được tham gia với tư cách người chơi, lắng nghe diễn xướng hô bài chòi bằng các làn điệu dân ca, em và nhiều bạn trẻ cảm nhận sâu sắc hơn nét đẹp truyền thống quê hương”.
Những ngày đầu năm mới, hội bài chòi ở thôn Đơn Duệ thu hút nhiều bạn trẻ, thanh thiếu nhi đến vui chơi. Trưởng thôn Đơn Duệ Nguyễn Phú Trường cho hay: “Hội bài chòi thôn Đơn Duệ có từ hàng trăm năm trước và được duy trì cho đến hôm nay.
Từ khi đất nước hòa bình đến nay, thôn Đơn Duệ tổ chức hội bài chòi một cách bài bản vào mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc. Những người tâm huyết với bài chòi đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca bài chòi thôn Đơn Duệ với 15 thành viên để trao truyền cho thế hệ trẻ và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách”. Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, giữa muôn vàn trò chơi, phương tiện giải trí hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn cho mình những hoạt động, lễ hội văn hóa dân gian để có những trải nghiệm.
Mồng 4 Tết, hàng trăm thanh, thiếu niên địa phương đã có mặt để hòa chung trong không khí tưng bừng, sôi nổi của Hội cù truyền thống thôn An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh). Anh Nguyễn Chí Thanh, quê gốc ở thôn An Mỹ hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Năm nay, tôi rất vui khi về quê đón Tết, vui hơn là được đưa vợ và các con nhỏ đến tham gia Hội cù truyền thống đầu xuân của thôn. Tôi đã kể cho con nghe về hội cù có từ hàng trăm năm trước được duy trì cho đến hôm nay của quê hương. Từ nhỏ, bản thân cũng được tham gia. Năm nay, tôi háo hức đến hội từ sớm để được sống lại những năm tháng vô cùng đáng nhớ. Các con tôi đứng ngoài xem mỗi lần thấy ba chạm được cù cũng hào hứng cổ vũ”.
Trong dòng chảy thời gian với nhiều thách thức từ chiến tranh, đại dịch COVID-19 nhưng thôn vẫn duy trì và phát huy giá trị của hội cù, trở thành “thương hiệu” vui chơi trong những ngày xuân. “Tổ chức hội cù không chỉ nhằm duy trì giá trị văn hóa tốt đẹp mà còn để giáo dục và trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống quê hương. Tất cả người dân trong thôn và những người xa quê đều ý thức về việc gìn giữ hội cù, dù đi đâu, làm gì cũng nhớ đến thời gian, địa điểm ngày hội cù để trở về và hòa mình vào nhịp đập cướp cù”, ông Dương Bá Sơn, Trưởng làng An Mỹ nói.
Đặc sắc, hấp dẫn
Nhờ những nét đặc sắc riêng có, nhiều hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống ngày đầu xuân vẫn thu hút được sự quan tâm, niềm hứng khởi cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Năm nay, Hội cù truyền thống đầu xuân Ất Tỵ thôn An Mỹ diễn ra theo đúng như tinh thần lễ hội từ xa xưa, với 2 phần lễ và hội. Trong phần lễ, những người cao niên uy tín thành kính thực hiện nghi lễ linh thiêng tế trời đất sau đó tuyên bố khai hội. Tiếp đó, một người cao tuổi uy tín đem cù ra giữa sân tung lên không trung, chính thức bắt đầu hội.
Theo thể lệ, hội cù thường kéo dài 3 hiệp, trong đó 1 hiệp diễn ra trong thời gian 30 phút. Có 2 đội chơi đại diện cho 2 xóm, với nhiều lứa tuổi tham gia, tìm cách ném cù vào 2 chiếc rọ tre treo trên cao khoảng 3 m. Đội nào đưa cù vào rọ là đội chiến thắng. Hội cù năm nay kết thúc vào hiệp thứ 2 khi anh Hoàng Đình Bửu, 28 tuổi, thôn An Mỹ ném được cù vào rọ.
Theo quan niệm đây là tín hiệu vui, dự báo một năm mới nhiều thành công cho thôn An Mỹ và du khách tham gia lễ hội truyền thống này. Em Hồ Thanh Lâm, 12 tuổi, ở TP. Đà Nẵng hào hứng nói: “Em sinh ra và lớn lên ở TP. Đà Nẵng nhưng mẹ em quê ở thôn An Mỹ. Mỗi dịp Tết đến, em thường được mẹ đưa về quê xem hội cù truyền thống của thôn An Mỹ. Năm nay, được trực tiếp xem hội cù em cảm thấy rất ấn tượng. Em sẽ rèn luyện sức khỏe thật tốt để một ngày không xa trực tiếp tham gia chơi cù và hy vọng sẽ ném được cù vào rọ”.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày tết Ất Tỵ, thời tiết khá đẹp đã tạo thuận lợi cho tổ chức lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, trò chơi dân gian. Nổi bật như: Lễ hội chợ đình Bích La (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong); hội đua thuyền truyền thống tại các xã Trung Giang, Trung Hải (Gio Linh); thi đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co ở TP. Đông Hà; viết thư pháp đầu xuân ở Gio Linh, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị... đã tạo không gian văn hóa đặc sắc trong những ngày đầu xuân.
Thế hệ trẻ vui tươi, phấn khởi khi vừa được vui chơi, vừa được mở mang tầm hiểu biết về các lễ hội truyền thống. Thông qua các hoạt động trải nghiệm trong những lễ hội được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền sẽ góp phần giúp các bạn trẻ đón Tết, du xuân rộn ràng niềm vui; tránh xa máy điện thoại, ti vi và những trò chơi vô bổ...; đồng thời, biết trân trọng và ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước đã gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa dân gian, từ đó có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống.