Giáo dục 'làm dâu trăm họ': sao cho tròn vai?
Đích đến cũng như hành trình đối với sứ mạng dạy người như điều tuyệt đối trong thế giới tương đối: lương sư hưng quốc.
Mấy ngày qua, nhiều vị phụ huynh, các thầy cô giáo, nhà quản lý trong ngành giáo dục sôi nổi tranh luận chuyện giờ vào học của học sinh. Các ý kiến hết sức đa dạng, mỗi luận giải đều gắn với từng “hệ quy chiếu” khác nhau: vì sức khỏe học sinh nên chọn vào học giờ X; phụ huynh đi làm kết hợp chở con đi học thì nên chọn giờ Y là hợp lý; học sinh học 2 buổi/ngày, không vào học giờ Z thì làm sao?… Ai cũng có cái lý trong lúc giáo dục muốn đổi mới mà một mục tiêu được nhấn mạnh là không một học sinh nào bị bỏ rơi!
Thật ra, việc tổ chức, quản trị dạy và học theo “văn hóa” quản lý dọc – ngang và chịu tác động sâu của đặc điểm, tình hình của từng đơn vị và địa phương nơi đơn vị đó tọa lạc. Hiểu việc này để vận dụng là việc phụ thuộc rất lớn vào hiệu trưởng nhà trường. Trong nhiều trường hợp, khi giải thích một hiện tượng hay một kết quả của nhà trường, người ta vẫn thường nói “hiệu trưởng thế nào, nhà trường thế nấy”. Mặt khác, công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, kinh tế tri thức đang từng giây, từng phút cọ xát với học đường, sự vận hành và phát triển của nhà trường phụ thuộc khả năng “cầm quân” của hiệu trưởng – đúng, nhưng cũng đòi hỏi giáo dục vĩ mô và vi mô có sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đó là những quy ước làm gốc để khi quan sát, giải thích, vận dụng những nội dung của giáo dục, ai cũng chấp nhận.
Những chuyện lạm thu tiền trường, bạo lực học đường, học sinh xưng hô “mày – tao” với giáo viên, thầy giáo nhắn tin dung tục với nữ sinh… ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn đã rúng hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp văn hóa học đường. Cần phải nhìn nhận giáo dục vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của quá trình vận động. Dù thế nào thì cũng không thể không đặt vào đó vai trò và vị trí của người thầy.
Vấn đề đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo chưa ngang tầm với “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Việc dạy người, cho dù có robot hỗ trợ đi chăng nữa, vẫn đòi hỏi động năng người dạy phải đủ lớn để họ chuyển động trên “quỹ đạo trăm năm” và truyền động năng cho người học. Năng lượng đó không tự nhiên sinh ra mà được tích lũy trong lúc còn học ở trường sư phạm cho đến thời gian đứng lớp sau đó.
Cho nên, một thời gian rất dài tồn tại các vấn nạn: điểm thấp thì vào học sư phạm, hay chạy vạy chóng vánh mấy chứng chỉ nghiệp vụ, hoặc tập huấn sách giáo khoa mới mà thực chất là tiếp thị cho nhà xuất bản…, thì làm sao thay đổi được đội ngũ giáo viên? Lạ hơn, sách giáo khoa thì tích hợp khoa học tự nhiên, giao thoa lịch sử với địa lý, nhưng giáo viên thì chỉ biết dạy đơn môn. Lạ nữa là âm nhạc, mỹ thuật cho trung học phổ thông gần như… trắng giáo viên! Và thầy trò thì cứ ngẩn ngơ vì đổi mới giáo dục chỉ nhắm đến phần ngọn. Còn việc giáo viên hướng đạo vai trò trung tâm của học sinh thì sao vẫn chậm làm?
Tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần việc phải “sòng phẳng” ở hai khía cạnh: giáo viên và tài chính. Ông nói: “Chúng tôi chỉ với tư cách người luôn đi kiến nghị, đề xuất”. Thực trạng này có lịch sử của nó cùng lối tư duy bao cấp, nhìn mặt nào đó, nó đang ngáng đường đổi mới giáo dục.
Thiết nghĩ, để đổi mới và phát triển giáo dục, trước hết phải bằng chính nội lực – dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và dựa trên quy luật từ bao đời: thành tựu của giáo dục kết tinh từ những hy sinh lặng thầm và cốt cách người thầy, cộng hưởng với học trò và kết nối từ phụ huynh.
Hôm 20-10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết hàng loạt quan chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo bị kỷ luật, bị đề nghị xem xét kỷ luật, và Ban cán sự Đảng của bộ này thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến Bộ cũng như một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ, xây dựng, ban hành chính sách… Thành trì giáo dục rạn nứt phải chăng là do thiếu răn mình theo giá trị truyền thống của một đất nước từ xa xưa luôn vun đắp nền tảng “tôn sư trọng đạo”?
Cầm cương giáo dục cũng không khác gì làm dâu trăm họ! Do vậy, mỗi chính sách, mỗi chủ trương, thậm chí là từng biện pháp đều cần phải được “cân, đong, đo, đếm” một cách mực thước, trong sáng về mục đích và “sòng phẳng” về phương tiện.
Đích đến cũng như hành trình đối với sứ mạng dạy người như điều tuyệt đối trong thế giới tương đối: lương sư hưng quốc.
TS. Nguyễn Hoàng Chương
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giao-duc-lam-dau-tram-ho-sao-cho-tron-vai/