Giao bài tập Tết cho học sinh: Nhiều ý kiến trái chiều
Cứ gần Tết Nguyên đán, câu chuyện giao bài tập Tết lại thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Người ủng hộ không giao bài tập Tết để học sinh có những ngày nghỉ vui vẻ, thoải mái; người lại muốn có bài tập để không quên kiến thức.
Người muốn nghỉ nhiều, người lại không
Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh cả nước sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo thông báo của Sở GD&ĐT các địa phương, số ngày nghỉ Tết của học sinh là khác nhau, có nơi nghỉ 7 ngày, có nơi lại nghỉ tới 16 ngày.
Trước kỳ nghỉ Tết, việc có nên giao bài tập về nhà cho học sinh hay không được các bậc phụ huynh quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.
Là một phụ huynh có hai con đang học lớp 4 và lớp 9, chị Phạm Thu Trang (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, dịp nghỉ Tết thầy cô nên giao bài tập cho các con làm để tránh việc các con bị quên hẳn sách vở. "Thời gian nghỉ Tết của các con thường kéo dài từ một đến hai tuần. Có bài tập, con còn lo học bài như vậy sẽ không đắm chìm vào mạng xã hội hay chơi game online.
Hơn nữa, những ngày trước Tết cha mẹ chưa được nghỉ làm thì các con làm bài tập cũng là một cách ôn luyện kiến thức, các con sẽ có trách nhiệm hơn trong học tập. Tôi mong vào mỗi kỳ nghỉ, giáo viên sẽ giao bài tập về nhà để các con trau dồi thêm kiến thức đã học, đặc biệt với học sinh cuối cấp như khối 9 thì có nhiều bài tập hơn bởi các em đang ở giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi vào lớp 10".
Khác với một số phụ huynh đồng tình việc giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh thì không ít người lại phản đối để học sinh có một cái Tết đúng nghĩa là được nghỉ ngơi vui chơi.
Chị Đỗ Bích Thủy - phụ huynh ở Long Biên (Hà Nội) cho rằng, thời gian nghỉ Tết là để học sinh xả stress, nạp lại năng lượng, cân bằng tâm lý, sum họp gia đình, vui chơi sau khi kết thúc học kỳ 1 và những tuần đầu của học kỳ 2 đầy căng thẳng. "Con học cả năm, mấy ngày Tết nên để con trẻ được nghỉ ngơi và vui chơi bên gia đình. Ngày nghỉ Tết, nhiều gia đình về quê hoặc đi chơi mà con vẫn phải mang theo phiếu bài tập để ngồi riêng một góc làm thì sẽ mất vui cho cả con và bố mẹ.
Tại sao ngày Tết bố mẹ được nghỉ mà con vẫn phải làm bài tập? Chưa kể, các con còn rất nhiều điều phải học trong dịp Tết cổ truyền, đâu chỉ riêng kiến thức. Theo tôi, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày nghỉ lễ nói chung thì thầy cô nên bỏ hẳn bài tập về nhà".
Em Nguyễn Gia Khánh - học sinh lớp10, trú tại quận Nam Từ Liêm cho hay, bài tập Tết thường được thầy cô giao vào các tiết học cuối trước khi bước vào kỳ nghỉ. Các môn Toán, Văn, tiếng Anh thường lượng bài tập bao giờ cũng nhiều hơn các môn còn lại. "Những năm trước em thường sợ nghỉ Tết bởi thay vì được nghỉ và chơi thì em phải làm bài tập. Em sợ nhất là môn Văn bởi đề bài nên mất nhiều thời gian làm bài, khiến em cảm thấy áp lực. Năm nay, em hy vọng cô sẽ không giao bài tập về nhà để chúng em có thể thoải mái đi chơi Tết".
Giao bài tập Tết thế nào để cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều hào hứng?
Cô Nguyễn Hồng Lan - giáo viên từng nhiều năm dạy Văn cấp THCS ở Hà Nội cho rằng, thời gian nghỉ Tết không dài nên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng chuyện các con quên kiến thức. "Thời gian nghỉ Tết, học sinh được rèn luyện các kỹ năng như giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa; thăm hỏi người thân, bạn bè; trải nghiệm phong tục, tập quán… cũng là những yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất.
"Theo tôi, tùy tình hình thực tế giáo viên vẫn có thể giao bài tập Tết nhưng với lượng vừa phải, không nên quá dài sẽ gây cảm giác mệt mỏi cho học sinh. Có thể giao những bài tập vận dụng vào thực tiễn, tích hợp các môn học có liên quan đến chủ đề ngày Tết để học sinh hào hứng hơn. Với những lớp giáo viên không giao bài tập về nhà vào dịp Tết thì trước khi quay trở lại trường các con học sinh nên dành khoảng 1 - 2 ngày xem lại bài vở để học kỳ 2 đạt kết quả cao".
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp Hà Nội cho biết: "Trường có giao bài tập Tết cho học sinh nhưng chỉ giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu Tết cổ truyền, giúp đỡ bố mẹ việc gia đình cuối năm, gắn kết tình cảm và gia đình. Phần tìm hiểu văn hóa Tết cổ truyền, ở địa phương, ở Thủ đô này cũng là một phần trong Hoạt động Giáo dục địa phương các em được học".
Theo thầy Tùng, trường hợp học sinh quên một phần kiến thức cũng là chuyện bình thường ở lứa tuổi này. Nếu các em quên, thầy cô sẽ hỗ trợ lại vào thời điểm sau Tết. "Sau kỳ nghỉ dài ngày, các thầy cô đều dành một quỹ thời gian nhỏ để khởi động lại việc học tập của học sinh đi theo đúng guồng học tập đã định hình. Chỉ cần trong thời gian học tập theo quy định, các học sinh chăm chỉ học tập, hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao một cách tập trung là đủ để phát triển các năng lực và phẩm chất cần có.
Nhiều học sinh lớp chọn, mặc dù học giỏi nhưng vẫn cứ xin các cô giao bài để học trong mấy ngày Tết nhưng các thầy cô cũng khuyên các con nên nghỉ ngơi. Các em nên có một kỳ nghỉ trọn vẹn và đúng nghĩa".
Mới đây, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng vừa gửi "tối hậu thư" đến các thầy cô giáo trong Trường Marie Curie Hà Nội. Thầy Khang nhấn mạnh: "Cách đây 12 năm, thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".
Theo thầy Khang, Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không giao bài tập để học sinh được thoải mái, không phải kè kè bài tập bên mình. "Thay vì phải học bài hoặc xem điện thoại cả ngày, tôi hy vọng các con có thể phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, thoải mái về quê thăm gia đình, họ hàng, trải nghiệm các hoạt động Tết, đọc cuốn sách yêu thích".