Gian nan vượt 'cổng trời' dạy chữ

Để đến điểm trường dạy chữ, các thầy cô giáo vùng cao Yên Bái phải vượt qua những đoạn đường khó, nhiều tình huống nguy hiểm.

Đường đến trường của thầy cô giáo Trường Mầm non An Lương.

Đường đến trường của thầy cô giáo Trường Mầm non An Lương.

Đất lở trên đầu, đá nhọn dưới chân

Bà Hoàng Thanh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Đọc những tin nhắn hỏi thăm nhau của các thầy cô trên đường đến trường, hay từ điểm trường về nhà, tôi khóc, lo cho an toàn của giáo viên và học sinh nữa…”.

“Nhà trường cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 40km, để đến được trường và các điểm trường để dạy học, việc đi lại của các thầy cô giáo rất khó khăn, phải đi qua khoảng gần 20km đường sạt lở khó đi, trong khi các thầy cô giáo đa phần nhà ở xa. Có nhiều điểm đường bị đứt đoạn, ô tô không vào được, xe máy cũng khó qua mỗi khi thời tiết xấu”, bà Hoàng Thanh Tuyết cho biết.

 Thời điểm này con đường được các thầy cô cho là dễ đi nhất vì không có mưa.

Thời điểm này con đường được các thầy cô cho là dễ đi nhất vì không có mưa.

Thầy Vũ Tuấn Anh, giáo viên nam duy nhất của Trường Mầm non An Lương chia sẻ: “Con đường đến trường của chúng tôi rất khó khăn, trời mưa lầy lội, trời nắng bụi mù mịt. Hiện tại, có nhiều đoạn người ta đang làm đường, múc đất khiến đất đá từ trên cao lở xuống rất nguy hiểm. Đường rất nhiều ổ trâu, ổ gà, sóc lên sóc xuống rất mệt mỏi. Một bên là đất sạt, một bên là ta luy rất nguy hiểm”.

 Những đoạn đường đến trường đầy gian khó.

Những đoạn đường đến trường đầy gian khó.

Thầy Vũ Tuấn Anh nói thêm: “Đường đá long sòng sọc, xe máy của tôi bị gãy nhiều chốt, phải buộc dây thép chằng chịt, việc hỏng hóc xe của các cô giáo diễn ra thường xuyên. Bản thân là nam và cũng là người trẻ nhưng vì cung đường khó đi nên tôi cũng bị đau mỏi lưng, để đảm bảo việc đến trường và chăm đón trẻ, tôi phải ở lại trường”.

Cô Phạm Thị Bái, cô giáo tại điểm trường Sài Lương của Trường Mầm non An Lương chia sẻ: “Con đường từ nhà đến trường rất khó khăn, nhà tôi cách trường 55km (từ Đồng Khê, đi An Lương), khi đến trường tôi phải dậy sớm, từ 4h sáng để đến trường, vào mùa đông trời lạnh, sương mù dày đặc rất nguy hiểm. Ngoài ra, đường dốc trơn trượt, dốc đá nếu trời mưa cũng rất dễ bị lũ. Hiện nay đang là mùa nước cạn việc di chuyển còn dễ dàng, nhưng bắt đầu vào mùa mưa việc đi lại rất khó khăn. Khoảng thời gian dễ đi nhất là thời điểm cuối năm, còn vào mùa hè mưa nhiều đường sẽ khó đi”.

 Các thầy cô giáo chia sẻ, động viên nhau.

Các thầy cô giáo chia sẻ, động viên nhau.

Cô giáo Lý Thị Thủy Tiên cho biết: “Từ nhà tôi đến đường đi qua xã Suối Quyền sẽ có đoạn đường rất khó đi. Trước khi chưa làm, con đường đó đã không được đẹp rồi, toàn là đường đất, chỉ có 1 đoạn ở Cổng trời được đổ bê tông, nhưng đất đá rất nguy hiểm. Có lần tôi đi qua đó, đất sạt xuống xém vào đầu nhưng may mắn tôi không sao. Đường có nhiều đá và hố sâu khiến các cô đi lại bị trở ngại. Sau đợt bão, đoạn suối Hốc nhiều khi trời mưa, nước to chúng tôi phải dắt xe”.

“Một lần trời mưa lũ, tôi đi một mình do nước to quá tôi bị ngã, xe máy thì không nổ được, chân tay thì tím bầm. Còn có nhiều cô còn bị đá chông dưới suối cứa đứt chân do nước cuốn trôi mất dép, kiếm được mảnh vải nào thì sơ cứu”, cô giáo Lý Thị Thủy Tiên nhớ lại.

 Mỗi lần đến trường các thầy cô đều có những trải nghiệm "đau tim".

Mỗi lần đến trường các thầy cô đều có những trải nghiệm "đau tim".

Còn cô giáo Nguyễn Hương Giang, điểm trường Suối Dầm của Trường Mầm non An Lương tâm sự: “Đường đến điểm trường của tôi toàn đường đất, trời mưa đất hay bị sạt xuống nên việc đi lại vất vả. Có nhiều hôm tôi phải bỏ xe ở đường, đi bộ 3 - 4km để đến điểm trường. Mặc dù đeo ủng, nhưng vẫn rất trơn trượt, chúng tôi ngã tím chân tay, đau mắt cá chân là chuyện thường xuyên.

Tháng 9 năm 2024, nước trên nguồn chảy xuống, xe máy không qua được, chúng tôi phải bỏ xe máy lại dắt tay nhau qua suối để đến điểm trường, trong lòng rất run sợ nhưng vì các con đang đợi ở điểm trường nên phải cố gắng. Các cháu ở đây còn khó khăn, đường khó đi, trời mưa nhưng các cháu vẫn đến lớp bình thường, thấy các cô các cháu vui lắm, nên chúng tôi cũng lấy đó làm động lực”.

Òa khóc khi con không theo mẹ

Việc các cô giáo trẻ, có con nhỏ phải ở lại điểm trường khiến cho việc chăm sóc, nuôi dạy con rất vất vả, các cô giáo chỉ có những ngày nghỉ vượt những cung đường khó về nhà để thăm con, thăm gia đình.

Những tình huống nguy hiểm khi nước lên.

Cô giáo Phạm Thị Bái xúc động kể: “Tôi đang trong thời kỳ chăm con nhỏ, hiện tại cháu mới được 25 tháng. Chồng tôi hiện tại đang đi học, 2 vợ chồng phải gửi con nhờ ông bà nội. Năm học trước, tôi có đưa con lên điểm trường nhưng do khí hậu ở đây khắc nghiệt nên cháu hay đau ốm, nên năm học này tôi quyết định để cháu ở nhà nhờ ông bà nội trông.

Đầu năm học là khoảng thời gian mưa nhiều, có khi còn có lũ nên tôi phải ở lại trường để đảm bảo an toàn, nhiều khi nhớ con đến phát khóc. Hồi đầu tôi để con ở nhà, khi tôi về cháu còn không theo tôi, cảm xúc của tôi lúc đó rất buồn, mình thì nhớ con nhưng con lại không nhớ mình, tôi đã òa khóc. May mắn hiện giờ cháu đã lớn và ngoan hơn một chút”.

Gian nan trên đường gieo chữ.

Còn cô giáo Lý Thị Thủy Tiên cho biết: “Con tôi mới hơn 1 tuổi, trước tôi có đưa con đến ở cùng nhưng do điều kiện khó khăn quá nên tôi đành để con ở nhà nhờ ông bà chăm sóc. Khí hậu ở đây độc hại, khắc nghiệt bởi nắng mưa thất thường khiến cháu hay bị đau ốm. Có lần, cháu bị ốm, tôi phải báo cáo nhờ các cô giáo đưa cháu đi cấp cứu đưa về để vào viện, vừa đi vừa khóc, thương con vì đường khó khăn quá”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng GD&ĐT Văn Chấn cho biết: "Hiện nay, con đường đang được thi công, không xa nữa, các thầy cô sẽ không còn vất vả mỗi khi đến trường".

“Là cán bộ quản lý, tôi cũng chỉ biết động viên các thầy cô giáo cố gắng, yên tâm công tác. Nhiều cô giáo đi cả tuần, xa con, chăm con của phụ huynh, về nhìn con mình chảy nước mắt. Có cô giáo mới lấy chồng, đi đường gồ ghề quá còn bị sảy thai, rất buồn. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn cố gắng vượt qua bởi sự yêu nghề, mến trẻ”, bà Hoàng Thanh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Lương nói.

Đức Hạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gian-nan-vuot-cong-troi-day-chu-post728059.html