Gian nan chấm dứt thói quen đốt rơm rạ

Tình trạng đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành không chỉ gây ra nhiều nguy hại về ô nhiễm không khí, sức khỏe con người mà còn cản trở các hoạt động giao thông.

Thời gian qua, dù TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp, phương án thực hiện nhằm giảm tuyệt đối tình trạng nêu trên, tuy nhiên đến nay vẫn còn không ít bất cập.

Vẫn còn địa phương thờ ơ

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thủ đô và giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan. Trong đó tập trung đôn đốc, giám sát, tại 19 quận, huyện có diện tích đất trồng lúa trên địa bàn TP để tuyên truyền cho người dân không thực hiện hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng.

Người dân xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch. Ảnh: Phạm Hùng

Người dân xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch. Ảnh: Phạm Hùng

Suốt thời gian qua, dù UBND TP đã ra sức thực hiện nhiều phương án, giải pháp. Tuy nhiên thông tin từ Sở TN&MT cho biết, trên các cánh đồng toàn TP, chỉ có duy nhất thị xã Sơn Tây là địa phương không xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ. Trong khi đó, 18 quận, huyện còn lại tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, không được chấm dứt triệt để. Cụ thể, diện tích đốt rơm toàn TP trong các vụ Đông Xuân, Hè thu năm 2022 vẫn lên tới cả nghìn héc ta.

Chia sẻ với phóng viên, không ít ý kiến bày tỏ bức xúc vì tình trạng đốt rác thải nói chung và rơm rạ ven đường giao thông nói riêng. “Một số thời điểm khói và bụi khiến người dân không thể sinh hoạt bình thường vì ô nhiễm. Chúng tôi vẫn mong lực lượng chức năng có giải pháp chấm dứt những bất cập” - anh Bùi Văn Hiếu, người dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho biết.

Theo Sở TN&MT, phát thải từ việc đốt rơm rạ riêng trong năm 2022 lên tới 728 tấn bụi mịn. Không chỉ gây ra những vấn đề về môi trường đô thị, hiệu ứng nhà kính nguy hại, tình trạng khói rơm rạ trải dài ở các địa phương gây giảm tầm nhìn ở các phương tiện, con người tham gia giao thông.

Đặc biệt tại một số nơi có tình hình giao thông, kết nối đặc thù, tình trạng nêu trên còn tạo ra không ít cản trở. Ví dụ, huyện Sóc Sơn trong các vụ Hè Thu, Đông Xuân đều là địa phương có tỷ lệ đốt rơm rạ cao nhất, chiếm tỷ lệ lớn diện tích của toàn TP. Tại đây, việc người dân đốt rơm rạ còn gây ảnh hưởng đến khu vực Sân bay Nội Bài, cản trở tầm nhìn của phi công khi cất, hạ cánh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn bay.

Coi rơm rạ là nguyên liệu sản xuất

Trước những yêu cầu về giải pháp triệt để chấm dứt tình trạng đốt rác thải, rơm rạ, không ít ý kiến đề nghị cơ quan chức năng có trách nhiệm cần tham mưu ban hành quy định xử lý hành chính vi phạm đốt rơm rạ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành. Đồng thời đảm bảo tính răn đe, vừa phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội chung của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cần tham mưu UBND TP về cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các mô hình sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng rơm, rạ làm tài nguyên. Thực tế ở một vài nơi, sau thu hoạch, người nông dân thường tận dụng rơm rạ để trồng nấm, thu gom, đóng thành bánh bán cho những cơ sở chăn nuôi trâu bò tập trung (thậm chí là xuất khẩu), nhưng số này không nhiều. Để lại rơm rạ trên đồng ruộng thì khi cày bừa, ruộng đồng sẽ lâu ngấu, do vậy giải pháp lâu nay là đem đốt, vừa nhanh vừa tận dụng tro để có thể tăng được độ phì nhiêu cho đất…

Vì thế đã nhiều năm nay sau vụ gặt, những cánh đồng ở khu vực ngoại thành luôn bao trùm bởi khói. Khói lửa từ rơm rạ cháy theo gió tỏa đi khắp nơi; cộng với thời tiết nắng nóng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường không khí. Khói bụi từ việc đốt rơm rạ còn làm cản trở giao thông, sức khỏe, gây cảm giác bất an khi lửa trùm trên nhiều cánh đồng.

Việc đốt rơm rạ đã được ngành chức năng cảnh báo từ lâu vì không những tác động xấu đến môi trường, còn gây lãng phí tài nguyên, bởi nếu biết cách sử dụng, rơm rạ có thể mang lại giá trị kinh tế cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở nhiều địa phương người ta đã sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng giúp tăng cường nguồn phân hữu cơ cho đất. Tận dụng nguồn rơm rạ để tạo các sản phẩm có giá trị cao hơn như trồng nấm, ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Được biết, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh từ lâu đã phát động phong trào không đốt rơm rạ đến các hội viên. Trong những năm qua, Hội đã tổ chức được 22 lớp đào tạo nghề cho 470 học viên là lao động nông thôn và tổ chức được 35 buổi truyền thông ở 23 xã về thu gom rơm rạ để sản xuất nấm rơm cho 3.500 học viên tham gia. Việc trồng nấm từ rơm đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây khói bụi, góp phần xây dựng môi trường tại địa phương thêm xanh – sạch – đẹp. Thiết nghĩ, đây là cách làm đáng để các huyện ngoại thành quan tâm học hỏi.

Bởi vậy, để có giải pháp hiệu quả, các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến chính sách; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nhân viên, giúp họ hiểu được rơm rạ cũng là nguồn nguyên liệu phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Vũ Khoa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gian-nan-cham-dut-thoi-quen-dot-rom-ra.html